Theo hãng tin Channel News Asia, theo quy định của đạo luật sửa đổi, việc bán các thông tin cá nhân thu được qua một hành vi tội phạm mạng như bán các thông tin thẻ tín dụng bị tấn công mạng được quy định rõ là hành vi bất hợp pháp. Tương tự, hành vi buôn bán các công cụ để thực hiện hành vi tấn công mạng nhằm vào máy tính cũng bị cấm.
Việc một người nào đó có hành vi phạm tội hình sự khi ở nước ngoài hay nhằm vào một máy tính ở nước ngoài nếu hành vi đó gây ra hay đưa đến một nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới Singapore theo luật mới cũng được quy định là một hành vi phạm tội. Theo Bộ Nội vụ Singapore, khái niệm tổn hại nghiêm trọng được xác định là việc bị thương hay tử vong hay gây gián đoạn tới các dịch vụ thiết yếu.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Lee nói rằng những sửa đổi vừa được thông qua nhằm mục đích tăng cường phản ứng của Singapore đối với các hành vi phạm tội mạng. “Những mối đe dọa trên không gian mạng cho đến nay đã được kiểm soát nhưng vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn. Vì thế, chúng ta cần phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ trong tổng thể chiến lược an ninh mạng toàn diện để đảm bảo các máy tính, các hệ thống thông tin mạng và dữ liệu của chúng ta được bảo vệ” – ông Lee nói.
Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội Singapore, Nghị sỹ Murali Pillai nói rằng ông ủng hộ dự thảo luật. Song, ông đặt câu hỏi liệu các nhà báo hay những nhà nghiên cứu có thể bị quy là phạm luật nếu họ sử dụng các thông tin bị rò rỉ từ các vụ tấn công mạng. Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Desmond Lee cho biết việc đưa tin về một vụ tấn công mạng hay việc một nhà nghiên cứu sử dụng thông tin bị rò rỉ nhằm mục đích nghiên cứu không bị xem là hành vi sai phạm miễn là các nhà báo và nhà nghiên cứu không tiết lộ thông tin cá nhân bị tiết lộ trong các vụ tấn công mạng.
Ví dụ, ông Lee cho rằng nhà báo hay nhà nghiên cứu hoàn toàn không cần đưa tin về thông tin thẻ tín dụng của nạn nhân bị tấn công khi đưa tin về một vụ phạm tội mạng. “Tùy vào từng trường hợp, việc khai thác thông tin cá nhân thu được thông qua các vụ tấn công mạng một cách bừa bãi có thể bị quy thành hành vi phạm tội” – ông nói.
Trong quá trình tranh luận về dự án luật nói trên, nhiều nghị sỹ Singapore cũng đã đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh mạng của các doanh nghiệp ở nước này. Theo Nghị sỹ Thomas Chua, trong lĩnh vực không gian mạng, các cơ quan của chính phủ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp ở Singapore vẫn thiếu nhận thức về nguy cơ tấn công mạng cũng như năng lực số.
Trong bối cảnh như vậy, ông thúc giục các doanh nghiệp chú ý hơn tới đạo luật vừa được thông qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các tội danh hình sự như quy định người nào thu thập, giữ lại, bán, tạo ra, cung cấp hay sử dụng các công cụ để thực hiện các tội danh liên quan đến máy tính hay cố ý để người khác sử dụng các sản phẩm này sẽ bị quy là phạm tội. “Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp phải cẩn trọng khi bán các sản phẩm để tránh các trường hợp vô tình sử dụng các sản phẩm đó” – ông nói.