Singapore cũng trở thành quốc gia đầu tiên cho phép bán thịt không có nguồn gốc từ động vật bị giết mổ.
Hôm 2-12, Công ty công nghệ thực phẩm Eat Just của Mỹ thông báo Cơ quan Thực phẩm Singapore đã cấp giấy phép đầu tiên trên thế giới về thịt gà “nuôi cấy”. Từ nay, Eat Just sẽ sử dụng thịt này như một nguyên liệu thực phẩm ở đất nước Đông Nam Á.
Thịt nuôi cấy được tạo ra bằng cách đưa các tế bào gốc từ mỡ hoặc cơ của động vật vào môi trường nuôi dưỡng để phát triển. Môi trường này sau đó được cho vào lò phản ứng sinh học để hỗ trợ sự phát triển của tế bào. Loại thịt nhân tạo này khác với thịt nhân tạo có nguồn gốc từ thực vật vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các siêu thị và nhà hàng, mà phổ biến là của các công ty Beyond Meat và Impossible Foods.
Thịt gà của Eat Just được cho có hàm lượng đạm cao và thành phần axít amin đa dạng, không chứa kháng sinh và vi sinh vật như khuẩn salmonella và E.coli ở mức rất thấp. Thịt sẽ được bán theo từng viên và giá trước đó được chốt là 50USD/viên. Tuy nhiên, Josh Tetrick, Giám đốc điều hành Eat Just, cho biết giá đã hạ và thịt sẽ được bán ngang với giá thịt gà loại tốt nhất khi bắt đầu bán nó dưới dạng gà chiên bột trong tương lai gần.
Nhiều nước phát triển thịt nhân tạo
Nhiều nước như Nga, Mỹ, Israel và Trung Quốc cũng tích cực nghiên cứu phát triển thịt nhân tạo, nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm. Ở Nga, các nhà khoa học đã phát triển thành công loại thịt ngựa nhân tạo từ tế bào gốc của ngựa với sự trợ giúp của các lò ấp đặc biệt mà không cần sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Theo ArtMeat, đơn vị chủ dự án nghiên cứu, thịt ngựa nuôi cấy sẽ xuất hiện trong 3 năm tới. Năm 2019, thông qua phòng thí nghiệm đặc biệt, giới khoa học Nga cũng đã sản xuất ra một viên thịt nhân tạo nặng 40gr từ tế bào trên mô cơ bắp nhỏ của giống bò “Aberdeen Angus”, nhưng tốn tới 14.000USD. Thịt này dự kiến sẽ xuất hiện trên các kệ hàng ở xứ bạch dương vào năm 2023. Theo tính toán, 5 năm nữa thịt bò nhân tạo sẽ có giá bán lẻ khoảng 12USD/kg.
Trên thế giới, ít nhất 24 hãng đang thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, bao gồm các loại thịt bò, gà và cá, với hy vọng xâm nhập thị trường thịt thay thế ước tính trị giá đến 140 tỉ USD vào năm 2029. Thị trường này hiện đạt quy mô 14 tỉ USD, chiếm 1% trong ngành công nghiệp thịt. Hãng tư vấn toàn cầu AT Kearney gần đây ước tính phần lớn thịt trong năm 2040 sẽ không có nguồn gốc từ động vật.
Theo các nhà khoa học, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tốt hơn thịt tự nhiên, không chỉ bởi việc sản phẩm không chứa kháng sinh mà còn có thể được bổ sung vitamin hay sắt hoặc điều chỉnh mùi vị theo ý khách hàng. Các nhà nghiên cứu khẳng định đây là thức ăn bền vững về môi trường duy nhất để đáp ứng nhu cầu về thịt, mà theo dự đoán của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (LHQ), sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2050. Bên cạnh lợi ích về môi trường, thịt được nuôi cấy cũng sử dụng ít tài nguyên đất, nước và an toàn cho người tiêu dùng so với thịt truyền thống. LHQ ước tính chăn nuôi gia súc chiếm 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhu cầu thay thế thịt thông thường đang gia tăng còn bởi người tiêu dùng muốn bảo vệ động vật. Hiện mỗi ngày có khoảng 130 triệu con gà và 4 triệu con heo bị giết mổ để lấy thịt. Dù vậy, thịt nuôi cấy vẫn còn ở giai đoạn sơ khai cũng như gặp nhiều khó khăn, bao gồm giấy phép từ cơ quan quản lý và chi phí sản xuất cao.