Mới đây, chúng tôi được dịp về các xã Sà Dề Phìn, Nặm Tăm… dọc những tuyến đường hay bên những sườn đồi từng một thời đất trống, đồi trọc phủ đầu cỏ dại ngày nào nay đã và đang được phủ xanh bằng các loại cây ăn quả như: Lê, đào, mận, cam, xoài… mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Những năm trở lại đây, nhờ được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, người dân ở huyện Sìn Hồ đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát được nghèo.
Từ việc phát triển trồng cây ăn quả đời sống của người dân từng bước được nâng cao. (Ảnh CTV) |
Được biết, hiện nay huyện Sìn Hồ có 1.470 ha cây ăn quả và được chia thành 2 vùng khí hậu khác nhau. Ở vùng cao thì trồng các loại cây lê, mận, đào, chuối, còn ở vùng thấp có dứa, xoài, cam, dưa hấu.
Để cây ăn quả trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hộ, giảm nghèo tại địa phương, UBND huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với giống cây ăn quả nào mới xây dựng mô hình, qua đó vận động nhân dân tham gia.
Đồng thời, huyện cũng phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả tập trung, lâu dài; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông để việc thu mua, vận chuyển nông sản diễn ra thuận lợi.
Nhờ vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Từ việc trồng nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp, giờ đây người dân đã phát triển lên thành các mô hình, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa đến tiêu thụ.
Trong quá trình sản xuất, người dân được hướng dẫn chi tiết từng bước, từ khâu cải tạo đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đến khi thu hoạch đúng theo quy trình. Điển hình như vào thời điểm thời tiết bất thường mà cây đang ra hoa kết trái, người dân đào rãnh thoát nước, đắp thêm đất, xây vách ngăn quanh gốc ngăn nước, dùng thêm túi nilon bọc quả, hộ nào có điều kiện thì làm nhà lưới che chắn.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang được nhân rộng. (Ảnh CTV) |
Tiêu biểu nhất là tại bản Nậm Lò (xã Nậm Tăm, Sìn Hồ) đã có nhiều hộ dân tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng hơn 40 ha cây dứa, sau một thời gian triển khai đến nay đã cho thu hoạch 2 vụ, mỗi hécta thu hoạch 50 tấn. Việc chuyển đổi cây trồng không những mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn phát triển trở thành cây trồng đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, giới thiệu cũng được đẩy mạnh thông thông qua các trang mạng xã hội, các sự kiện, hội chợ, mở các điểm du lịch để khách vào thăm quan, thu mua quả tại vườn. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để người dân, doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ra các biện pháp hợp lý để cây ăn quả phát triển.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sìn Hồ thông tin: Việc phát triển cây ăn quả góp phần tăng nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tăng thu nhập bình quân của huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh trồng cây ăn quả phủ xanh đất trống đồi trọc. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết. Nâng cao trình độ, kỹ thuật cho người dân, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu nhập người dân được nâng lên, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao là minh chứng của việc phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc theo hướng bền vững tại huyện Sìn Hồ trong những năm qua.