Hạ tầng khu bay (đường lăn, đường cất/hạ cánh) tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nhiều lần có báo cáo gửi Bộ GTVT, đồng thời cho công bố nhiều hình ảnh cảnh báo về mức độ nguy hiểm nếu tiếp tục khai thác mà không có giải pháp khắc phục kịp thời và dứt điểm.
Về vấn đề này, mới đây Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cần có báo cáo chuyên đề với Thủ tướng và Thường trực Chính phủ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khăn khăn về mặt cơ chế để các công trình này sớm được đầu tư sửa chữa, bởi hiện tại ACV dù đang có tiền nhưng không thể đầu tư.
“Cơ chế hiện tại không cho phép chúng tôi được đầu tư vào đây. Ngay cả bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng cũng không thể”, lãnh đạo ACV nói.
Theo quy định, hạ tầng khu bay tại các sân bay là tải sản của nhà nước, nên việc đầu tư sửa chữa phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế, nên trước đó Bộ GTVT từng đề xuất phương án cho phép sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng của ACV để sửa chữa đường băng tại Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và nhà nước bố trí hoàn trả sau.
Trong lúc chờ hướng giải quyết đối với các đường cất/hạ cánh 1B và 25R tại 2 sân bay này, ACV vẫn liên tục áp dụng các giải pháp mang tính tình thế để trám vá mặt đường băng, nhưng chắc chắn không thể đảm bảo lâu dài vì phần nền móng của công trình đã hư hỏng, trong khi mùa mưa đã đến.
Tình trạng hư hỏng tại đường lăn S1 Sân bay Nội Bài. |
Lo lặp lại câu chuyện 4.000 tỷ ở VIDIFI
Trao đổi với PLVN với tư cách là cơ quan chủ quản mới của ACV, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nói rằng, quan điểm của cơ quan này là phải bảo toàn và phát triển tốt nhất đồng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp mà Ủy ban đang là cơ quan đại diện chủ sở hữu.
“Khu bay do Bộ GTVT quản lý, là tài sản của nhà nước thì phải đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Nếu doanh nghiệp ứng tiền ra làm thì trái với Luật Đầu tư công, trừ khi nhà nước quyết định cấp từ nguồn dự phòng hoặc chuyển toàn bộ phần hạ tầng đó về ACV hoặc cách khác là báo cáo để Quốc hội quyết định. Vấn đề này đã có luật rồi, chúng ta phải làm theo luật”, bà Hà nói.
Cũng theo vị đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu không tính toán kỹ càng sẽ đối mặt với những hệ lụy như từng xảy ra ở, một số bộ, ngành, địa phương trong vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Bởi trước kia từng có thực tế, nhiều doanh nghiệp tự huy động vốn bằng hình thức vay ngân hàng để đổ tiền vào các công trình xây dựng nhưng sau đó, ngân sách không đủ khả năng cân đối để thanh toán, dẫn tới phá sản doanh nghiệp và ảnh hưởng an toàn hệ thống ngân hàng.
“Trước đây, có những công trình của nhà nước được các bộ, ngành cam kết hẳn hoi, nhưng sau đó vẫn không giải quyết được nguồn nên mới có chuyện ở Hà Nam - doanh nghiệp người ta đến tận Ủy ban để đòi tiền vì lâu không thanh toán được”, bà Hà dẫn chứng thêm.
Theo cơ quan chủ quản của ACV, nếu trường hợp “Tổng” này tự ứng vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp khu bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà xác định được nguồn từ ngân sách hoàn trả thì không có gì phải bàn, nhưng thực tế ngân sách đang rất khó khăn và thiếu nguồn.
Vì thế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhắc lại câu chuyện ở Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khi triển khai Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để lưu ý doanh nghiệp về việc ứng vốn đầu tư hạ tầng khu bay. Cụ thể, theo bà Hà, VIDIFI trong quá trình triển khai dự án cao tốc nói trên, ngân sách cam kết sẽ thanh toán 4.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, nhưng đến giờ này nhà đầu tư vẫn chưa được cấp.
“ACV nói đang có tiền để sửa chữa khu bay nhưng “anh” cứ đầu tư làm mà không biết khi nào ngân sách cân đối được để trả, thì tới khi cần nguồn vốn phục vụ cho các dự án khác sẽ gặp khó khăn”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.
Mặc dù đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hệ thống khu bay tại 2 Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn phải tiếp tục khai thác vượt tải. Cụ thể, trong khung giờ cao điểm, tại Sân bay Nội Bài, các hãng hàng không đang khai thác khoảng 40 chuyến/giờ, trong đó, Vietnam Airlines khai thác 18 chuyến/giờ, Vietjet 6 chuyến/giờ, Jetstar Pacific 3 chuyến /giờ và Bamboo Airways 2 chuyến/giờ, và các chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài.