“Siêu lừa” người Mỹ 2 lần rao bán tháp Eiffel

Victor Lustig.
Victor Lustig.
(PLO) - Thông minh, tháo vát và thành thạo tới 5 ngoại ngữ. Có thể nói, Victor Lustig hội tụ đủ những yếu tố để có thể trở thành một nhân vật nổi bật. Quả thật, Lustig đã nổi tiếng nhưng không phải nhờ những tài năng đó mà vì biệt tài lừa đảo “thành thần”, nhất là phi vụ 2 lần lừa bán… Tháp Eiffel – biểu tượng của nước Pháp.

Siêu lừa thông thạo 5 thứ tiếng

Victor Lustig sinh năm 1890 tại Bohemia, nay là Séc, với tên khai sinh là Robert V. Miller. Ngay từ khi còn nhỏ, Lustig đã bộc lộ trí tuệ xuất sắc, nhất là năng khiếu về ngoại ngữ. Khi vào đại học ở Paris, Lustig đã thông thạo 5 thứ tiếng là Séc, Anh, Pháp, Đức, Italia. Có điều, Lustig lại không chịu lao động một cách chân chính mà chỉ chăm chăm sử dụng trí tuệ để kiếm tiền trên mồ hôi, công sức của người khác.

Năm 19 tuổi, Lustig đã trở thành một siêu lừa. Lustig thường xuyên có mặt trên những tàu biển di chuyển giữa Pháp và Mỹ, lân la tới khoang hạng nhất – là nơi có những vị khách giàu có – để giở trò lừa đảo. Một trong những chiêu của Lustig là đóng vai nhà sản xuất nhạc kịch Broadway, rồi dụ “con mồi” đầu tư vào những dự án sản xuất “trên giấy”. 

Tuy nhiên, “chiếc rương in tiền”, hay còn được gọi là “chiếc rương Romania” mới là trò lừa kinh điển của Lustig  ở giai đoạn này. Cụ thể, trên những con tàu lênh đênh trên đại dương, khi những hành khách đã ù tai vì mệt mỏi, Lustig giả bộ bí hiểm thì thầm với những doanh nhân giàu có về một chiếc rương có khả năng sao chép bất cứ loại tiền tệ nào.

Để chứng minh, Lustig đưa ra một chiếc rương được làm từ gỗ bắt mắt và vờ đề nghị “con mồi” cho mượn tờ 100 USD rồi nhét vào trong rương. Sau 6 tiếng – quãng thời gian mà theo lời Lustig là để chiếc rương “xử lý hóa chất”, từ đầu bên kia, 2 tờ 100 USD sẽ tòi ra. Chứng kiến cảnh này, không ít người “lác mắt”. Họ đâu ngờ được rằng thực chất chiếc “máy in tiền” đó chỉ nhả ra những đồng tiền thật đã được Lustig giấu kỹ bên trong từ trước. 

Lóa mắt trước viễn cảnh có thể ung dung ngồi chờ tiền tự sinh sôi nảy nở, không ít người sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn USD – số tiền rất lớn lúc bấy giờ - để có thể sở hữu chiếc rương. Có những phi vụ, Lustig thu về đến 30.000 USD (tương đương khoảng 300.000 USD hiện nay) chỉ bằng vài câu nói và chút mánh lới. Về phía nạn nhân, mỗi lần chờ 1 tờ tiền được in ra lên đến 6 tiếng nên đến khi những đồng tiền nhét sẵn trong rương đã hết và họ phát hiện đã bị lừa thì Lustig đã cao chạy xa bay.  

Khi những chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương bị đình chỉ vì Chiến tranh thế giới I, Lustig quyết định ở hẳn lại Mỹ để kiếm cơm. “Ngựa quen đường cũ”, thời gian này, Lustig tiếp tục lừa hàng chục người khác. Luôn xuất hiện với vẻ ngoài lịch lãm và khả năng nói năng lưu loát, giỏi nắm bắt tâm lý đối phương, Lustig được những người xung quanh gọi là “Bá tước”.

Ở mỗi nơi, Lustig lại xuất hiện với một cái tên khác nhau, thành ra đặc điểm duy nhất để cơ quan chức năng có thể nhận ra Lustig chính là vết sẹo dài trên mặt – là hậu quả của việc bị chồng của một phụ nữ đã bị Lustig quyến rũ tấn công. Cũng chính dấu hiệu này khiến cảnh sát về sau truy lùng Lustig với biệt danh “Gã mặt sẹo”.

Cú lừa chấn động nước Pháp

Tháng 5/1925, Lustig quyết định tới Paris, Pháp. Một ngày nọ, Lustig tình cờ đọc được trên một tờ báo bài viết về việc bảo trì Tháp Eiffel. Theo bài báo, tại điểm đó, biểu tượng nước Pháp đã bắt đầu xuống cấp, cần được đại tu nhưng chi phí cần bỏ ra là khá đắt đỏ. Bài báo cũng cho hay, kết quả thăm dò dư luận cho thấy có nhiều ý kiến đề nghị phá bỏ tháp thay vì tu sửa cho đỡ tốn. Ngay lập tức, với sự nhanh nhạy của mình, Lustig đã vẽ ra trong đầu một âm mưu kiếm tiền “khủng”.

Để thực hiện âm mưu, Lustig làm các giấy tờ giả để “hô biến” bản thân thành một quan chức chính phủ cùng vài bộ hồ sơ về Tháp Eiffel. Sau đó, Lustig đánh tiếng mời 5 nhà buôn phế liệu nổi tiếng nhất tại Paris đến Khách sạn sang trọng Crillon trên quảng trường Concorde. Trong vai Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp, Lustig giả vờ nhỏ to với 5 vị doanh nhân rằng chính phủ đang muốn dỡ bỏ Tháp Eiffel vì chi phí bảo dưỡng quá cao nên. 

Vẫn theo lời Lustig, Chính phủ Pháp sẽ bán tòa tháp thông qua một cuộc đấu giá kín. Lý do phải làm như vậy, theo lời Lustig, là để tránh những ý kiến trái chiều của người dân. Lustig cũng tiết lộ rằng Lustig đã được “giao đứt” cho việc lựa chọn nhà thầu sẽ nhận được hợp đồng béo bở này.

Để tăng thêm phần thuyết phục của dự án “bí mật” này, Lustig nói rằng Tháp Eiffel ban đầu được xây dựng chỉ như một cổng chào cho Hội chợ Thế giới vào năm 1889 và chưa bao giờ được lên kế hoạch duy trì vĩnh cửu hay có ý nghĩa lớn như Nhà thờ Đức bà Paris hoặc Khải Hoàn Môn. 

Tháp Eiffel có tổng khối lượng gần 10 ngàn tấn, trong đó có 7,3 ngàn tấn thép nhưng giá khởi điểm mà “đại diện chính phủ” Pháp tại cuộc gặp đưa ra lại rất thấp so với giá thép ngoài thị trường nên cả 5 vị doanh nhân có mặt đều tỏ ra quan tâm. Song, họ còn bán tín bán nghi về tính xác thực của thương vụ.

Tuy nhiên, Lustig ngay trong bữa ăn bằng sự nhanh nhạy và tinh tế của mình đã chọn được “con mồi”, đó là ông André Poisson - người dễ tin nhất trong số 5 doanh nhân có mặt lại đang khát khao muốn có một phi vụ lớn để “lấy số” trong giới doanh nhân ở Paris. 

Tháp Eiffel.
Tháp Eiffel.

Nắm bắt được điều này, Lustig hẹn gặp riêng Poisson. Tại cuộc gặp này, Lustig nói với ông Poisson rằng ông ta đã được chọn làm nhà thầu cho vụ mua bán toàn bộ sắt thép phế liệu từ Tháp Eiffel. Lustig cũng than thở rằng những quan chức như Lustig chỉ có lương eo hẹp để “gợi ý chung chi”. Chính điểm này đã hoàn toàn thuyết phục doanh nhân Poisson về gói thầu bởi vào lúc bấy giờ, việc vòi vĩnh là điều không thể thiếu khi làm ăn với lực lượng công quyền.

Ông Andre Poisson quyết định nhận hợp đồng và hối lộ cho Lustig tổng cộng 70.000 USD. Nhận được tiền, Lustig nhanh chóng bỏ trốn đến Áo. Còn Andre Poisson, ông ta chỉ có thể tức tím ruột khi phát hiện bị lừa mà không dám đi tố cáo vì không muốn bị mất mặt.

Ở đất Áo, không thấy báo chí đả động gì về vụ lừa bán Tháp Eiffel, Lustig biết chưa bị phát giác. Sáu tháng sau vụ lừa đầu tiên, Lustig quyết định trở lại Paris để “đánh quả” nữa. Sử dụng lại đúng chiêu thức ban đầu, Lustig lại “bán” được Tháp Eiffel thêm một lần nữa và cũng thu về hàng chục nghìn USD. Nhưng lần này, nạn nhân đã đến trình báo cảnh sát và câu chuyện được phơi trên báo chí. Lustig nhanh chóng chuồn sang Mỹ.

Sa lưới trên đất Mỹ

Tại Mỹ, Lustig đã lừa cả trùm tội phạm khét tiếng thế giới Al Capone, nhưng theo cách ít ai ngờ tới. Theo đó, Lustig  dụ ông trùm đầu tư 50.000 USD vào một dự án “ma”, cam kết sẽ đem lời về cho Capone trong 2 tháng.

Có điều, lần này, Lustig để tiền nằm đó đúng 59 ngày rồi đến ngày thứ 60 thì quay lại nói với Capone rằng kế hoạch làm ăn thất bại nhưng vẫn trả lại ông trùm đủ 50.000 USD. Capone được cho là đã rất thích thú khi lần đầu tiên gặp được một người “trung thực” như vậy nên đã quyết định chỉ lấy lại 45.000 USD. Như vậy, trùm lừa đảo đã bỏ túi 5.000 USD.

Càng về sau, độ liều lĩnh của Lustig càng tăng lên. Năm 1930, Lustig hợp tác với một nhà hóa học tên Tom Shaw để sản xuất tiền USD giả. Mỗi tuần, Lustig và đồng bọn in và tung tới 100.000 USD (khoảng 1.432.700 USD hiện nay) vào nền kinh tế Mỹ, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hành chính sách của chính quyền. Tiền giả của Lustig xuất hiện ở khắp nơi, từ New Orleans tới Chicago. 

Mật vụ Mỹ đã sớm dò ra kẻ cầm đầu của đường dây và âm thầm khép chặt vòng vây. Qua tin báo từ một cô bồ hay ghen của Lustig, họ đã tóm được tên này khi Lustig  đang rảo bước trên đường phố New York. Khi bị bắt, Lustig giả bộ bình thản tra tay vào còng, khiến một mật vụ Mỹ thậm chí thốt lên rằng Lustig là tên tội phạm “biết điều” nhất mà ông từng xử lý. 

Có điều, chỉ ít lâu sau khi bị bắt, Lustig đã giả bệnh và lợi dụng sơ hở của cán bộ trại tạm giam để đào tẩu. Sau 27 ngày, Lustig đã bị bắt lại. Tòa án sau đó đã tuyên phạt Lustig 20 năm tù,bao gồm 15 năm tù vì tội lừa đảo, in tiền giả và 5 năm tù vì tội vượt ngục. Vì từng bỏ trốn, Lustig bị đẩy ra thụ án ở nhà tù trên đảo Alcatraz. Tại đây Lustig đã sống những tháng ngày còn lại, cho tới khi bị mắc bệnh viêm phổi và chết vào tháng 3/1947.  

Đọc thêm

Lào Cai: Triệt phá nhiều vụ án lớn trong 5 ngày đầu cao điểm

Lào Cai: Triệt phá nhiều vụ án lớn trong 5 ngày đầu cao điểm
(PLVN) - Chủ động, quyết liệt triển khai Đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sau 5 ngày đầu ra quân, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lào Cai đã có những kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại sao mạng người lại rẻ rúng đến vậy?

Tại sao mạng người lại rẻ rúng đến vậy?
(PLVN) -  Khi nghe tin về vụ phóng hỏa quán cà phê ở Hà Nội khiến 11 người chết, nhiều người không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Càng đáng căm phẫn hơn khi nguyên nhân chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt. 11 mạng người đã ra đi chỉ vì sự thù hận nhất thời của một kẻ mang tên Cao Văn Hùng. 

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.