'Siêu lừa' làm giả vé số độc đắc trốn vào chùa tu

Bị cáo Đức đến tòa trong chiếc áo nâu nhà chùa, đầu đã xuống hết tóc
Bị cáo Đức đến tòa trong chiếc áo nâu nhà chùa, đầu đã xuống hết tóc
(PLVN) - Thiếu tiền tiêu xài, lại bị các chủ nợ bao vây, túng quẫn, bị cáo quyết định làm giả vé số trúng thưởng 2 tỷ đồng, mang đến công ty xổ số nhận thưởng. Trong quá trình cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ vụ án, Đức được cho phép tại ngoại. Thời gian này, Đức liền vào chùa, xuống tóc quy y. 

Thiếu tiền xài, làm giả vé số trúng thưởng

Vào ngày 10/10/2017, Vũ Minh Đức (33 tuổi, quê Hải Phòng) trong lúc đang ngồi uống cà phê với bạn tại quán cà phê trên đường Hàm Nghi (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã mua 2 tờ vé số do Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Quảng Nam phát hành, mở thưởng vào ngày 10/10/2017 của một người bán vé số dạo. Đức đưa cho bạn một tờ, còn bản thân giữ lại một tờ.

Đến 18h cùng ngày, Đức dò kết quả xổ số trên mạng thì biết vé số mình mua không trúng thưởng. Lúc này, do đang nợ tiền của nhiều người, nên Đức nảy sinh ý định làm giả vé số trúng thưởng giải đặc biệt trị giá 2 tỷ đồng để đem đi đổi thưởng lấy tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ. Đức đã giữ lại tờ vé số không trúng thưởng và thu gom các tờ vé số không trúng thưởng khác của Công ty xổ số Quảng Nam, để scan và chỉnh sửa lại tờ vé số không trúng thưởng thành tờ vé số có mã dự thưởng “728106” trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng của kỳ quay số mở thưởng ngày 10/10/2017 của Công ty xổ số Quảng Nam. 

Để thực hiện ý định trên, Đức từ TP Huế ra Hải Phòng, tìm đến các cơ sở in ấn, photocopy, với mục đích thuê người làm giả vé số trúng thưởng nhưng không ai nhận làm. Vì vậy, Đức về nhà trọ của mình ở Hải Phòng, tự mình sử dụng dao và thước kẻ để cắt các con số 2, 8, 0, 1, 6 trên các tờ vé số không trúng thưởng. Sau đó dùng hồ dán các con số này lên một tờ vé số khác có con số đầu tiên là số 7 cho giống với tờ vé số trúng giải đặc biệt do Công ty xổ số Quảng Nam.

Mấy ngày sau, Đức đem tờ vé số tự mình làm giả đưa đến một cơ sở photocopy ở Hải Phòng, thuê một nữ nhân viên  scan tờ vé số Đức tự làm giả để in lại một tờ vé số khác giống như tờ vé số trúng giải đặc biệt thật với giá 50.000 đồng. Lúc nhờ in, Đức nói với người nhân viên này mục đích là để sưu tập. Sau khi làm xong tờ vé số giả, Đức điện thoại vào số máy điện thoại cố định của Công ty xổ số Quảng Nam (lấy từ mặt sau của tờ vé số), nói với nhân viên của Công ty là Đức trúng giải đặc biệt (không nói mở thưởng ngày nào) và hỏi địa chỉ nhận thưởng. Đức cho biết là đang làm việc tại Huế nên được hướng dẫn đến nhận thưởng tại Văn phòng  đại diện của Công ty tại Huế. 

Vào khoảng  7h30’ ngày 30/10/2017,  Đức đi đến Văn phòng đại diện của Công ty xổ số Quảng Nam tại Thừa Thiên - Huế. Đức đưa tờ vé số giả cho nhân viên Công ty xổ số Quảng Nam tại Huế và yêu cầu được nhận tiền thưởng. Đức được đại diện phía Công ty xổ số hướng dẫn ghi tên, tuổi, số chứng minh ở mặt sau tờ vé số mà Đức đem đến nhận thưởng. Sau khi kiểm tra bằng nhiều biện pháp như mắt thường, soi tia cực tím, kiểm tra và đối chiếu thông tin về vé trúng giải thưởng đặc biệt tại Công ty, phía Công ty xổ số đã phát hiện tờ vé số mà Đức đem đi nhận thưởng là giả nên đã báo cơ quan công an để giải quyết. 

“Bị cáo quẫn bách quá nên mới làm liều”

Phiên tòa xét xử Vũ Minh Đức về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành xét xử sơ thẩm. Lúc đầu, cơ quan chức năng truy tố bị cáo về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng nhận thấy đây là phương thức, thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của Đức. Hành vi này không cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, nên đã được thay đổi tội danh của bị cáo sang “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong quá trình cơ quan điều tra đang thu thập chứng cớ, củng cố hồ sơ vụ án, Đức được cho phép tại ngoại. Thời gian này, Đức liền vào chùa, xuống tóc quy y. Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi rõ ở phần lý lịch bị can, nghề nghiệp của Đức là “tu sĩ, tu tại chùa Hoàng Xá, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh”.

Phiên tòa hôm ấy, bị cáo Đức đến tòa trong chiếc áo nâu nhà chùa, đầu đã xuống hết tóc. Tòa hỏi bị cáo: “Tại sao đi lừa đảo tiền bạc? Sau khi tu hành, học giáo lý phật giáo, biết đã làm việc pháp luật ngăn cấm, nghĩ sao?”. Đức cúi đầu phân bua, bị cáo nói sau khi sự việc xảy ra, bị cáo biết sai lầm của mình nên rất xấu hổ. Bị cáo rất ân hận. “Vì sao bị cáo phải đi lừa đảo?”. “Bị cáo thiếu nợ, cần tiền trả nợ cho nhiều người”, bị cáo lí nhí. “Bị cáo thiếu nợ bao nhiêu?”. Bị cáo cúi đầu, không trả lời.

Tòa hỏi bị cáo, khi mang tờ vé số giả trúng thưởng tự tạo đến công ty xổ số nhận thưởng, bị cáo có nghĩ đến việc tờ vé số mang dãy số trúng thưởng đó đã có người khác nhận thưởng hoặc đã được thu hồi không? Bị cáo trả lời không hề nghĩ đến. “Lúc đó bị cáo quá cần tiền, quẫn bách quá nên mới làm liều”. “Cơ quan xổ số người ta có rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để phân biệt vé số thật hay giả mạo, đâu có dễ lừa. Tự nhiên bị cáo lại có hành vi dại dột , đưa bản thân mình vào con đường khổ”, vị hội thẩm nhân dân nói với bị cáo.

Đại diện phía bị hại là Công ty xổ số Quảng Nam cho hay, hôm đó ông đang ra ngoài có việc thì người của công ty gọi điện thông báo có người đến nhận giải. Ông vội vã trở về công ty. Trước khi nhận vé, ông yêu cầu chủ sở hữu tờ vé số ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân ở mặt sau tờ vé số, sau đó cho người đi kiểm tra kho vé, kiểm tra vé bằng đèn nhưng không có phản quan nên biết là vé số giả. “Việc dùng vé giả mạo vé trúng thưởng giải đặc biệt để lừa đảo thường hay xảy ra ở các đại lý rất nhiều. Nhưng đến tận công ty xổ số để lừa đảo thì đây mới là lần đầu tiên. Do cơ quan cũng chưa xảy ra thiệt hại gì, vì vậy mong tòa giảm án cho bị cáo”, đại diện phía bị hại đề nghị.

Theo HĐXX, việc bị cáo Đức bị phát hiện dùng vé số giả đi lĩnh thưởng và không chiếm đoạt được tiền là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo, nên thuộc vào trường hợp phạm tội chưa đạt. Tòa tuyên phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù giam. 

Tin cùng chuyên mục

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Đọc thêm

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.