Siêu lừa đảo nghiện game

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)
(PLO) - Lâm Quang Trung (SN 1996, tên thường gọi Bi, ngụ khu phố 5, phường  2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là một học sinh học lực yếu đa phần các môn, riêng môn tin em vừa đam mê, vừa là sở trường. Nghiện game khá nặng, từ năm 2012 Trung đã vào các trang mạng xã hội để lừa chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. 
Siêu lừa hoàn hảo
Tháng 8/2012, lúc này đang học lớp 11, Trung bỏ bê việc học, thường cùng bạn bè đến các quán internet trên địa bàn thị xã Quảng Trị chơi game và truy cập vào các trang web yahoo, facebook trò chuyện với nhiều người. Trung thấy một người bạn bất ngờ có tiền chi tiêu, mua sắm thoải mái nên tò mò hỏi, biết đó là tiền lừa đảo được từ một số người trên mạng. Thông qua bạn Trần Đình Nam (SN 1997, ở gần nhà), Trung đã học theo phương thức, thủ đoạn đó.
Để chiếm đoạt tài sản qua mạng, Trung đăng kí 5 tài khoản tại công ty cổ phần thương mại điện tử Bảo Kim và 1 tài khoản tại công ty cổ phần Ngân lượng. Đây là 2 công ty hoạt động theo mô hình ví điện tử (người dùng đăng ký tài khoản loại cá nhân hoặc doanh nghiệp với 3 chức năng chính là nạp tiền, rút tiền và thanh toán - PV). Sau khi đăng ký xong, Trung gửi ngẫu nhiên một đường dẫn (đường link) đến các hộp thư điện tử hoặc facebook có sẵn trên mạng. 
Nếu chủ nhân các tài khoản nhận được đường link đó rồi vô tình hoặc cố ý đăng nhập vào thì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản yahoo hoặc facebook sẽ được chuyển về hộp thư điện tử của Trung. Trung sử dụng thông tin đó để đăng nhập và đổi ngay mật khẩu truy cập của các tài khoản này (Ban đầu, đường link này do Nam tạo và bán cho Trung giá 50 ngàn đồng – PV)
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản, Trung đăng nhập vào các tài khoản này và nghiên cứu nhân thân như nghề nghiệp, gia đình, bạn bè, không quên xem lại toàn bộ các cuộc nói chuyện của chủ nhân tài khoản trước đây. Trung cũng không quên tìm hiểu luôn cách xưng hô, cách nói chuyện với “con mồi” một cách chu đáo và cẩn thận. Khi đã nắm rõ các nội dung trên, Trung liền “chat” qua mạng với những người này. Trong khi nói chuyện, tùy từng đối tượng mà Trung có cách xưng hô, phong cách nói chuyện, văn phong sử dụng giống như “chủ tài khoản thật”, làm cho những người này nhầm tưởng rằng bạn bè, người thân của họ đang trò chuyện với mình.
Vô số nạn nhân
Sau khi tạo được lòng tin, Trung nói rằng hiện tại mình đang rất cần tiền nên nhờ người thân gửi tiền mượn tạm. Nhiều “con mồi” cả tin làm theo. Có thể Trung yêu cầu bị hại mua thẻ cào điện thoại di động, hoặc thẻ cào trò chơi điện tử cho Trung. “Con mồi” chuyển qua, Trung lại nhập số seri, mã số thẻ vừa lấy được đưa vào tài khoản đã đăng ký trên các trang web Baokim.vn hoặc Nganluong.vn. 
Sau đó Trung đổi sang tiền mặt đến tài khoản ngân hàng Agribank mang tên mẹ Trung. Cuối cùng Trung rút số tiền đó tiêu xài. Một số trường hợp, Trung dụ các con mồi trực tiếp chuyển tiền cho mình cũng qua tài khoản của mẹ.
Từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2013, Trung đã chiếm đoạt tài sản của các bị hại với tổng số tiền là 214,7 triệu đồng. Trong tổng số tiền trên, có 19,8 triệu đồng Trung thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, trong các tháng 6, 7, 11/2013 Trung đã lừa đảo 3 bị hại gồm bà Nguyễn Hà Thanh (ngụ phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội); bà Hoàng Linh Chi (ngụ TP. Sơn La, tỉnh Sơn La); và bà Đinh Thị Trúc Đào (ngụ quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) với tổng số tiền 70 triệu đồng. Hai bị hại là Chi và Đào sớm phát hiện bị lừa nên đã yêu cầu chặn được 30 triệu đồng, Trung chỉ chiếm đoạt được 40 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, Trung tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt 174,7 triệu đồng của nhiều bị hại chưa xác định rõ danh tính, địa chỉ. Cảnh sát đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người bị hại trong vụ án, tuy nhiên đến cuối tháng 9/2014 vẫn chưa có thêm ai đến trình báo.
Đối với Trần Đình Nam trong vụ án này là người cung cấp đường link để Trung chiếm đoạt tài khoản, bản thân Nam cũng thực hiện hành vi tương tự chiếm đoạt được 5 triệu đồng vào năm 2012.  Sồ tiền này Nam đã nộp cho cảnh sát và đang chờ bị xử lý.
Cha mẹ giúp sức cho con phạm tội?
Có mặt tại phiên tòa, cha mẹ bị cáo luôn cúi đầu, vẻ mặt đượm buồn trước người dự khán. Có lẽ họ phần nào đó cũng đã nhận ra cái sai, sự thiếu quan tâm tới con cái của mình. Cha mẹ Trung trước đó đã vay mượn bồi thường cho các bị hại tổng số 20 triệu. 
Gia đình Trung thuộc diện kinh tế khó khăn, ba mẹ công việc không ổn định, Trung bị đánh giá ham chơi, thường giao du với bạn bè xấu, học lực yếu, ham chơi game. Cha mẹ bị cáo nói lời cuối: Chúng tôi rất sốc, đau lòng và cảm thấy ân hận vì bận bịu làm ăn mà không quản lí con tốt. Mong HĐXX cho con tôi được hưởng án treo để con tiếp tục được đi học”.
“Anh hùng bàn phím” trước vành móng ngựa
 “Anh hùng bàn phím” trước vành móng ngựa
Sau khi tuyên án 24 tháng tù, tuyên bố tịch thu sung công gần 130 triệu đồng là số tiền Trung chiếm đoạt nhưng chưa xác định được cụ thể ai là người bị hại, HĐXX cũng tỏ ra trách bố mẹ Trung, hỏi tại sao số tiền trong tài khoản của mình tăng mà mình không có phản ứng gì? Người mẹ đi cùng con trai rút số tiền 35 triệu đồng để mua xe máy mà sao không hề mảy may suy nghĩ vì sao con có được số tiền lớn trên? 
Mẹ Trung lí nhí: “Chỉ nghe con mình nói số tiền trên do bán đồ chơi trên mạng mà có, vậy là tin tưởng nghe theo mà thôi”. Tòa phân tích “nếu như ai cũng lên mạng bán đồ chơi như con của chị mà có hàng chục triệu đồng như vậy, thì người nào cũng giàu to cả rồi”. Người mẹ bật khóc. Chính hành vi giúp sức của chị đã đẩy con mình vào sa ngã ngày càng trầm trọng, đến khi chuyện bị vỡ lỡ, phát hiện thì đã quá muộn. 
Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Quảng Trị cho biết: “Em Trung sẽ là một nhân tài, sẽ là người có ích cho xã hội nếu được đào tạo đúng hướng. Nhưng tiếc rằng chính bố mẹ của em lại giúp sức cho con thực hiện hành vi phạm tội đáng tiếc trên. Về phía địa phương, khi Trung ra tù, chính quyền sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cho em tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên phường để sớm hòa nhập cùng cộng đồng và làm việc có ích cho xã hội. Nếu em tiếp tục học tiếp bổ túc văn hóa để có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và ôn thi Đại học, phường cũng tạo điều kiện để em theo học như những người bình thường khác. Nếu em không tiếp tục học, chúng tôi sẽ liên hệ với Trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương để giúp Trung có được công việc phù hợp với mong muốn của bản thân”.

Đọc thêm

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.