10h hôm nay, 9/11, vị trí tâm bão số 14 ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.
Đến 10h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (9/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (09/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8.
Từ chiều tối nay (9/11), khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 – 5m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.
Chiều qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với 26 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau và 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum) để chỉ đạo công tác đối phó với bão và mưa lũ sau bão.
Thủ tướng Chính phủ đã cử các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) Cao Đức Phát tổ chức các đoàn công tác vào miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW đã có công điện chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình ngập, úng do có thể mưa to tại thủ đô Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng thường trực BCĐ PCLBTW đã cử các đoàn công tác, chuyên gia để giúp địa phương trong công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa và neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn; Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương xả nước đón lũ các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Phú Yên.
Bộ Ngoại giao đã có công hàm tới Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Philippin, Indonexia, Malaixia và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân, tàu, thuyền của Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ trong trường hợp bị nạn, gặp sự cố.
Bộ Y tế, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thủy sản, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục có công điện và văn bản gửi các cơ quan liên quan chỉ đạo ứng phó với ATNĐ.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN về công tác kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa, lũ.
Các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Dương, Cần Thơ, Gia Lai đã có công điện, phê duyệt phương án chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh triển khai và báo cáo nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với bão, mưa, lũ.
Tỉnh Bình Thuận cấm biển từ 16h ngày 8/11/2013, tỉnh Sóc Trăng cấm biển từ 17h ngày 8/11 và TP HCM cấm biển từ 0h ngày 9/11.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, rạng sáng 9/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm theo quy định của Chính phủ và tính đến 6h ngày 9/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.245 phương tiện/383.599 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.