Báo cáo tại cuộc họp, Lãnh đạo Tổng cục THADS cho biết Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 nội dung, trong đó có 20 nội dung sửa đổi, 3 nội dung bổ sung mới và 1 nội dung bãi bỏ. Các nội dung trong Dự thảo Nghị định xuất phát từ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành Nghị định; các khó khăn, vướng mắc khác của Luật THADS và các lĩnh vực pháp luật có liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Dự thảo được dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thu hút một số nội dung của Thông tư liên tịch, Thông tư và các công văn hướng dẫn nghiệp vụ chung đã thực hiện trong thời gian qua.
Ngoài việc thảo luận về các nguyên tắc, định hướng xây dựng Nghị định như trên, cuộc họp đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã trong trường hợp không có người bảo quản tài sản theo Điều 58 Luật THADS.
Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp tài sản là nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở miền núi, hẻo lánh, không có ai nhận bảo quản tài sản hoặc giá trị tài sản thấp nên việc thuê tổ chức bảo quản chuyên nghiệp là không khả thi. Song, pháp luật hiện chưa có quy định giải quyết vấn đề này, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện. Do đó, Tổng cục THADS đề xuất bổ sung quy định: Trường hợp không giao bảo quản được theo quy định tại Điều 58, Điều 112 Luật THADS thì việc bảo quản tài sản thuộc về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thời gian chưa xử lý được tài sản.
Liên quan tới vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho rằng nếu giao UBND cấp xã tuy sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan THADS nhưng sẽ phát sinh trách nhiệm cho UBND cấp xã nên cần đánh giá tác động. Chung quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Ngọc Vũ nhận định quy định này khó thi hành vì khó dự liệu hết các vấn đề khi triển khai trên thực tế như trình tự, thủ tục như thế nào, quy định bồi thường ra sao nếu xảy ra mất mát tài sản, phát sinh nhân lực của UBND xã... Còn nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị cần cân nhắc và nghiên cứu thêm về quy định này bởi việc giao tài sản tư cho chính quyền bảo quản sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn đối với tài sản công.
Về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải THA, theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh thì người đang có nghĩa vụ THA thì chưa được xuất cảnh. Còn trong lĩnh vực THADS, cơ quan THADS có thẩm quyền quyết định chưa cho người phải THA xuất cảnh. Theo quy định, cơ quan THADS phải ra quyết định cấm xuất cảnh đối với người phải THA chưa thi hành xong nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Trường hợp cơ quan THADS không kịp thời ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người phải THA xuất cảnh ra nước ngoài dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Do đó đề xuất bổ sung trong quyết định THA nội dung “người phải THA khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh” và gửi quyết định THA này cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Quy định như vậy sẽ giảm bớt trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm cho cơ quan THADS nhưng cần có sự thống nhất với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Thị Kim Dung, nếu bổ sung trong quyết định THA nội dung “người phải THA khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh” sẽ phát sinh trách nhiệm rà soát của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Còn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định quy định theo hướng trên không những sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho cơ quan THADS và Chấp hành viên, giúp quyết định THA mang tính răn đe hơn mà còn giúp bản thân người phải THA nắm rõ được nghĩa vụ của mình.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu về phạm vi sửa đổi Nghị định, cần đánh giá tác động đối với các văn bản luật khác có liên quan sau khi Nghị định này được ban hành và đánh giá sự ảnh hưởng tới các chủ thể liên quan, đặc biệt là hệ thống cơ quan THADS, Chấp hành viên. Đồng thời cần nghiên cứu thêm một số quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, pháp nhân thương mại, phần dân sự trong bản án hình sự... Đặc biệt, dự thảo Nghị định phải đảm bảo hướng tới sự công bằng cho người được THA, siết chặt trách nhiệm của người phải THA đồng thời giảm bớt một số quyền chưa phù hợp với năng lực và thẩm quyền của Chấp hành viên và cơ quan THADS.
Về quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong trường hợp không có người bảo quản tài sản, Bộ trưởng yêu cầu nên quy định “mềm mại” hơn theo điểm b, Khoản 1, Điều 58 Luật THADS là “cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản”. Còn quy định người phải THA khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh là đúng nguyên lý, phù hợp với pháp luật về xuất, nhập cảnh song cũng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước để đảm bảo tính khả thi.