Với những hiệu quả thiết thực, điện năng lượng mặt trời đã và đang đi vào cuộc sống ở nhiều địa phương trong cả nước. Giải pháp điện mặt trời vẫn được các nhà đầu tư để ý nhưng chưa được khai thác nhiều vì không phải ai cũng có đủ tiềm lực để tham gia. Song vẫn có những Tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã khởi động từ nhiều năm trước, đón đầu xu hướng sử dụng năng lượng sạch trong tương lai.
Tính đến tháng 9/2018 có 121 dự án đã được phê duyệt với tổng công suất trên 9,2 nghìn MW. Hiện vẫn còn 211 dự án đang chờ thẩm định bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất là 16.800 MW. Như vậy, tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332 dự án với tổng công suất lên đến hơn 26.000 MW.
Bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng tại Việt Nam. Trung bình vào khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc.
Giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời hiện đang được cho là tối ưu nhất. Đây là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường và có trữ lượng vô cùng lớn do tính tái tạo cao. Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế những nguồn tài nguyên truyền thống.
Khát vọng “Sếu đầu đàn”
Gần 3 năm trước, Tập đoàn Sao Mai đã đóng điện thành công Nhà máy điện NLMT áp mái có công suất (1,06 MW, vốn đầu tư 2 triệu USD) lớn nhất cả nước lúc bấy giờ.
Sau nhiều năm hoạt động, dòng điện sạch này đã giúp giảm 20%/năm chi phí tiền điện cho Cty CP Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (I.D.I), mặt khác còn bảo đảm nguồn điện liên tục và quan trọng hơn cả là ứng dụng NLMT vào sản xuất mà Sao Mai là nhà tiên phong khai thác.
Sau tiếng còi khai cuộc thành công, Sao Mai Group tiếp đà đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng sạch khi dự án Sao Mai Solar PV1 đang được nhà thầu Sterling Wilson (Ấn Độ) khẩn trương thi công. Vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng, công suất phát điện 210MW, trải rộng trên diện tích 275 ha, tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, lượng điện năng sản xuất dự kiến hơn 302 triệu KWh/năm.
Sau khi hoàn thành các hạng mục, trong 10 năm tới, Nhà máy điện mặt trời Sao Mai sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm, đảm bảo cung ứng đầy đủ điện sản xuất, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư dọc theo 2 biên giới VN-CPC thậm chí còn thừa công suất để “xuất khẩu” sang nước láng giềng. Có thể nói rằng, Sao Mai Solar Pv1 được đánh giá là sẽ có tầm ảnh hưởng mạnh, làm “thăng hạng” Việt Nam trên bản đồ khai thác năng lượng tái tạo của thế giới.
Song song với thời gian thi công dự án tại Tịnh Biên, Tập đoàn lại có cơ hội bén duyên với dự án NLMT tại Long An khi mua lại thành công từ Cty CP Điện mặt trời Europlast Long An. Tái khởi động dự án, Sao Mai Solar PV2 được Tập đoàn “bơm vốn” gần 1.200 tỷ đồng để xúc tiến Nhà máy có công suất phát điện 50MW. Chỉ hơn 2 tháng tăng tốc, hình hài tổng thể công trình thu nhiệt bức xạ mặt trời tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã xuất hiện, tạo điểm nhấn vô cùng mới mẻ, “làm mát” cho vùng đất có bức xạ cao hơn các nơi khác.
Dự án Sao Mai Solar PV2 tại Long An công suất 50 MW hoàn thành hơn 70% |
Lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ, tất cả các dự án NLMT của Sao Mai đều được xây dựng trên những vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đời sống của người dân rất khó khăn. Vì vậy, Sao Mai kỳ vọng các Nhà máy Điện NLMT sẽ “cứu cánh” cho những địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Dưới những tấm pin NLMT ví như mái che khổng lồ là những diện tích đất được cải tạo theo hướng sinh thái để canh tác, nuôi trồng các loại sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Độc đáo hơn, các dự án này trở thành mô hình du lịch hấp dẫn, tiêu thụ đặc sản thu hút khách tham quan, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sao Mai Solar sẽ mang lại giá trị lớn cho Tập đoàn không chỉ dồi dào nguồn thu mà còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và chính trị xã hội.
Tập đoàn Sao Mai đã ký kết Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam với giá bán 9,35 cent/kwh. Từng bước đi thận trọng cho thấy Sao Mai đã rất bài bản trong việc kinh doanh và đầu tư để trở thành đơn vị cung cấp điện NLMT chiến lược cho EVN. Sắp tới, Tập đoàn quyết tâm đạt mục tiêu là một trong những nhà tiên phong khai thác năng lượng sạch lớn ở Châu Á.