Hòa giải: tiết kiệm thời gian, công sức
Bộ Tư pháp cho biết, tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 107.561 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 651.215 hòa giải viên. Hàng năm, đội ngũ hòa giải viên trên cả nước đã thực hiện hòa giải phần lớn các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Hòa giải không chỉ góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, mà còn trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ổn định xã hội để phục vụ phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, còn nhiều tồn tại, hạn chế, như đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động qua các năm do không đủ sức khỏe (đa phần là những người cao tuổi), có nguyện vọng không tiếp tục tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, không còn uy tín trong nhân dân, chuyển đổi nơi cư trú hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên vì nhiều lý do khác nhau. Việc vận động phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia hoạt động hòa giải còn rất khó khăn.
Một vấn đề nữa được Bộ Tư pháp chỉ ra là trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế. Hiện trên cả nước, số hòa giải viên có trình độ chuyên môn về luật là 28.006 người (chiếm 4,3%); số chưa qua đào tạo là 618.019/651.215 người (chiếm 94,9%). Đại đa số hòa giải viên không thường xuyên được cập nhật kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Nhiều hòa giải viên (nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) vẫn tiến hành hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục, không biết vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hình mới thì vấn đề quan trọng nhất theo Bộ Tư pháp là cần phải tiếp tục tăng cường kiện toàn và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Theo đó, dự thảo Đề án đã xác định tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; xây dựng thí điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở phù hợp với các địa bàn khác nhau.
Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên thông qua việc nâng cao chất lượng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu tham khảo cho đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ tập huấn viên nguồn; Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tăng cường năng lực đội ngũ hòa giải viên bao gồm: Các hoạt động chỉ đạo điểm do Trung ương tổ chức chỉ đạo thực hiện tại 12 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng, miền để tổng kết, hướng dẫn thực hiện ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; Tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2020 và 2025 và ở các địa phương; Xây dựng điển hình, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải điển hình xuất sắc và các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở…
Thông qua các hoạt động nêu trên sẽ giúp cho hòa giải viên được trang bị đầy đủ, toàn diện kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, đủ năng lực để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong đó, Đề án chú trọng đổi mới phương pháp tập huấn theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành, đưa vào sử dụng rộng rãi phương pháp tập huấn cùng tham gia; tạo cơ hội để hòa giải viên được trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm từ các luật gia, luật sư, công chức hành chính nhà nước, hội thẩm nhân dân, thẩm phán, thư ký Tòa án trong hòa giải các vụ việc, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn, bồi dưỡng.
Đối với các tỉnh, thành phố có các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, đến hết năm 2025, Trung ương sẽ đảm bảo trực tiếp hỗ trợ tổ chức được ít nhất 01 lớp tập huấn, bồi dưỡng/huyện.
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng xác định: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiệm vụ này được thực hiện theo phương thức đào tạo đội ngũ nguồn, Trung ương tổ chức đào tạo nguồn cho cấp tỉnh; cấp tỉnh tổ chức đào tạo nguồn cho cấp huyện, cấp huyện tổ chức đào tạo cho cấp xã.
Trong từng hoạt động nêu trên, dự thảo Đề án đều xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí của các cơ quan, tổ chức; đồng thời xác định cụ thể thời gian thực hiện phù hợp với thời gian hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Đề án. Ngoài ra, hoàn thiện về thể chế bảo đảm cho việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cũng là một trong những giải pháp quan trọng được dự thảo Đề án đưa ra.