Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại Chương VIII.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường; TANDTC, VKSNDTC, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Ở địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương.
Điều 73 của Luật năm 2017 quy định nội dung hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và nội dung hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp |
Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP đã giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Triển khai quy định này, Cục Bồi thường nhà nước đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định biện pháp thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường để bảo đảm thực hiện hiệu quả 1 trong 13 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Thông tư, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn cho biết, công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại là nội dung mới của quản lý nhà nước nên cần có được quy định cụ thể nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với người bị thiệt hại.
Giới thiệu một số nội dung của dự thảo Thông tư, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng khẳng định, phạm vi điều chỉnh của Thông tư được xác định là chỉ quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường của Bộ Tư pháp, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường của UBND cấp tỉnh và trách nhiệm phối hợp của TANDTC, VKSNDTC và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Bộ Tư pháp khi Bộ Tư pháp hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
Phó Cục trưởng Trần Việt Hưng báo cáo về dự thảo Thông tư |
Một nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư là Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp sẽ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người bị thiệt hại trong một số trường hợp. Đó là sẽ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp các vụ việc phức tạp, có ảnh hưởng đến tình hình an nin, chính trị, xã hội tại địa phương; những vụ việc khó khăn, vướng mắc trong quá trình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cách thức, địa điểm hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người bị thiệt hại do Bộ, Sở Tư pháp thực hiện đối với các loại vụ việc cụ thể theo thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Tạ Thị Tài đặt vấn đề, người bị thiệt hại như người già yếu, ốm đau, bệnh tật… có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục được không hay quy định hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp thì có cách thức hỗ trợ đồng thời bằng văn bản không khi đây là những vụ việc phức tạp.
Một số ý kiến thì lo ngại công tác hỗ trợ, hướng dẫn có thể trùng lặp với hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc tư vấn của luật sư cũng như góp ý chỉ khoanh vùng hỗ trợ cho người bị thiệt hại, còn người thừa kế, ủy quyền phải có giấy tờ chứng minh.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Thông tư, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị quan tâm đến việc xây dựng các quy định về phạm vi điều chỉnh. Theo Thứ trưởng, Luật năm 2017 đã đưa ra 2 khái niệm hỗ trợ, hướng dẫn trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh nên Thông tư này chỉ quy định quan hệ giữa Bộ, UBND cấp tỉnh với người bị thiệt hại.
Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý chỉ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thuần túy về thực hiện trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường, chứ không hỗ trợ, hướng dẫn về nội dung vụ việc.