Ngày 11/01, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH&ĐT. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2023, nền kinh tế nước ta vẫn đạt được một số kết quả nổi bật, như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; Tăng trưởng được thúc đẩy; Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Lạm phát trong nước được kiểm soát; Tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
“Để đạt được những kết quả đáng khích lệ kể trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ KH&ĐT…” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, dưới sự chỉ đạo của tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ KH&ĐT tiếp tục có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, tham mưu cho Chính phủ các định hướng, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới; phối hợp cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Một trong những mặt hoạt động được lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề cập đến là công tác quy hoạch.
Theo Thứ trưởng Phương, năm 2023, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động theo hướng chủ động, kiến tạo, phát triển và tăng cường liên kết để phát triển, thực hiện thống nhất các chu trình: Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch - Đầu tư.
Năm 2023, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động theo hướng chủ động, kiến tạo, phát triển và tăng cường liên kết để phát triển. (Ảnh minh họa) |
Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định 05 quy hoạch vùng, 59/63 quy hoạch tỉnh (trong đó 50 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt) bảo đảm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên.
Phát huy vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác tham mưu cơ chế, chính sách phát triển KTXH các vùng và địa phương, năm 2023, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; Trình Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh, phát triển Thủ đô Hà Nội, phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập, kiện toàn Hội đồng điều phối 06 vùng KTXH và vùng Thủ đô.
Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2024, Bộ KH&ĐT sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó sẽ trình Chính phủ phê duyệt 05 quy hoạch vùng trong nửa đầu năm 2024 theo tinh thần tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch 05 vùng sau khi được phê duyệt.
Tính đến ngày 28/12/2023, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Trong đó: 59 quy hoạch đã được phê duyệt; 21 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định; 05 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định.
Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.
.