GS. Avishay Braverman còn được biết đến là một nhà kinh tế học nông nghiệp hàng đầu của Israel và thế giới, đang tham gia vào Khuôn khổ hợp tác giữa Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm tăng cường trao đổi học thuật, tham vấn chính sách và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Học viện và các viện nghiên cứu, các chuyên gia Israel nói riêng và quan hệ hữu nghị giữa 2 nước nói chung.
GS. Avishay Braverman cho biết qua theo dõi tình hình Việt Nam cũng như trao đổi thẳng thắn, cởi mở với các chuyên gia ở trong nước, ông tin tưởng rằng trong vòng 10, 20 năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành “con hổ” của châu Á.
Nguyên Bộ trưởng Các vấn đề dân tộc của Israel cho rằng vấn đề với Việt Nam là tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tầng lớp trung lưu, “níu chân” họ ở lại và đóng góp cho đất nước, thay vì ra nước ngoài làm việc. Thứ hai là ưu tiên đầu tư cho giáo dục để nâng cao dân trí, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba là tăng cường mở cửa thị trường, phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, GS. Braverman bày tỏ mong muốn cùng với các chuyên gia kinh tế nông nghiệp hàng đầu thế giới sẽ phối hợp với phía Việt Nam tổ chức một diễn đàn về hợp tác trong nông nghiệp tại Việt Nam để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, khai thác tối đa tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. “Tôi tin rằng bằng việc khai thác các tiềm năng nông nghiệp sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng bền vững trên 7%”, GS. Braverman khẳng định.
Vui mừng được tiếp đón GS. Avishay Braverman, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng tinh thần tự lực tự cường để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Israel là hai nền kinh tế có cơ cấu bổ sung cho nhau, không có cạnh tranh trực tiếp nên hoàn toàn có thể hợp tác, cùng phát triển. Hiện Chính phủ hai bên đang chỉ đạo các bộ, ngành xúc tiến xây dựng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên để tăng cường hợp tác, đầu tư.
Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của GS. Braverman tổ chức một diễn đàn hợp tác, phát triển nông nghiệp tại Việt Nam và giao cho đại diện Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện.