Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp. Cụ thể là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, dự kiến có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, dự kiến sẽ giảm 50%.
Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như giao thông vận tải, kinh doanh lưu trú, du lịch…; miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn; giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn. Tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, Bộ Tài chính đang lấy và tổng hợp các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đảm bảo trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho những địa phương cho một số địa phương như TP HCM, Bình Dương, một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay. Đây đều là những địa phương đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương nói trên.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước hết, về lãi suất của các DN, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại thì hạ lãi suất cho vay. Mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với DN lúc này. Vì thế, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại vừa cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng thương mại để giảm lãi suất cho DN hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo này, Hiệp hội Ngân hàng (16 ngân hàng thương mại) có quy mô lớn nhất đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần “khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều”. Các ngân hàng thương mại đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.
Về việc NHNN đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng, ông Tú đính chính là không có gói này, mà chủ yếu là các ngân hàng thương mại công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các DN thì NHNN sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất này của các ngân hàng thương mại, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện. “Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực về nguồn lực cho DN để phục hồi sẽ là vấn đề mà NHNN ưu tiên trong thời gian sắp tới”, ông Tú bày tỏ.