Theo dự thảo Thông tư, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại các thương nhân đầu mối (không bao gồm thương nhân sản xuất xăng, dầu; thương nhân đầu mối bán xăng dầu thành phẩm cho thương nhân đầu mối khác về làm nguyên liệu để pha chế, sản xuất). Thương nhân đầu mối có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc hạch toán, quản lý tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp.
Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; đồng thời, có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định. Toàn bộ số tiền trích lập Quỹ Bình ổn giá để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành của Bộ Công Thương. Trường hợp thương nhân đầu mối có số dư Quỹ Bình ổn giá lớn hơn 300 tỷ đồng, thương nhân đầu mối được mở thêm tài khoản Quỹ Bình ổn giá tại ngân hàng thương mại khác.
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đề xuất 3 nguyên tắc đảm bảo hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Một là, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng. Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối bán ra đầu tiên trên sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường nội địa.
Hai là, khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về thời gian thực hiện mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, thương nhân đầu mối chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ trong nước theo quy định. Ba là, tại kỳ điều hành giá cơ sở xăng dầu theo quy định, trường hợp cơ quan điều hành ước tính tổng số dư Quỹ Bình ổn giá của các thương nhân đầu mối ở mức ≥7.000 tỷ đồng, thương nhân đầu mối sẽ thực hiện ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá theo thông báo điều hành giá cơ sở xăng dầu của Bộ Công Thương.
Vẫn theo dự thảo Thông tư, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền (300 đồng/lít/kg) tính trên lượng xăng, dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một yếu tố hình thành trong giá bán của thương nhân đầu mối. Việc trích lập vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với chu kỳ điều hành giá cơ sở. Việc điều chỉnh tăng, giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định trên phải phù hợp với diễn biến của thị trường. Bộ Công Thương căn cứ trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá, diễn biến giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Bộ Tài chính để quyết định cho phù hợp. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì trao đổi lại (bằng hình thức email/điện thoại), không thống nhất được thì Bộ Công Thương tự quyết định và chịu trách nhiệm.
Đối với việc chi sử dụng quỹ, theo dự thảo Thông tư, việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành và việc tăng giá có thể tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối được chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo thông báo điều hành giá cơ sở của Bộ Công Thương. Nghiêm cấm sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng cho các mục đích khác. Thời gian chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với chu kỳ điều hành giá cơ sở.
Về công khai Quỹ Bình ổn xăng dầu, công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại đơn vị tính đến trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước.
Định kỳ, chậm nhất ngày mùng 5 hàng tháng, thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cuối kỳ của tháng trước liền kề. Đồng thời lập, gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) và Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) chi tiết về tình hình thực hiện Quỹ Bình ổn giá của tháng trước liền kề.
Trên cơ sở báo cáo của thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về số trích lập, số chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hàng quý của thương nhân đầu mối. Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố tại văn bản điều hành giá xăng dầu các thông tin về mức trích lập, mức chi sử dụng (nếu có) và ước số dư Quỹ Bình ổn giá tại thời điểm điều hành.