Những ngày qua, biện pháp cách ly xã hội đã cho thấy được hiệu quả tích cực cho việc phòng, chống lây nhiễm COVID-19. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 tại cuộc họp sáng nay -15/4, thời điểm cuối tháng 3-đầu tháng 4, Việt Nam ghi nhận “đỉnh parabol”, với số ca bệnh tăng cao.
Nhờ cách ly xã hội thông qua Chỉ thị 16, số ca mắc COVID-19 vốn có xu hướng tăng nhanh theo ngày đã được chặn đứng và đi ngang ở mức rất thấp; cá biệt có giai đoạn 2 ngày mới ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Các chuyên gia cũng đánh giá: Khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội đã khiến các chỉ số di chuyển của xã hội hạ xuống tối đa từ đó góp phần khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác "truy vết" những người tiếp xúc gần với các ca bệnh cũng được thực hiện rốt ráo, chi tiết với sự đồng bộ của các ngành, các địa phương.
Tính đến sáng ngày 15/4, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đã đạt tới 63% với 169 ca trên tổng số 267 ca của cả nước. Tỷ lệ mắc mới trong vòng 10 ngày sau khi thực hiện Chỉ thị 16 giảm xuống nhanh so với 10 ngày trước khi thực hiện, từ 82% xuống còn 25%.
Một số ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát và gỡ dần cách ly y tế như bệnh viện Bạch Mai [dỡ cách ly từ 0 giờ ngày 12/4-PV]; quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh.) Riêng ổ dịch mới tại Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc,) công tác đảm bảo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống vẫn đang được thực hiện nghiêm túc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cách ly xã hội hết sức cần thiết “vì có nhiều người không có triệu chứng, lây sang người khác, bởi vậy quan trọng nhất là việc phòng chống. Điều này rất quan trọng, chúng ta cần khoanh vùng cách ly rất nhanh những người tiếp xúc xung quanh”.
Tuy nhiên, diễn biến dịch còn phức tạp, dự kiến kéo dài, chỉ khi nào tình hình dịch bệnh trên thế giới hạ nhiệt, hay có thuốc đặc trị và có vaccine thì dịch trong nước mới hết.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo nhận định: "cần có các biện pháp để tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh".
Do đó, Ban chỉ đạo thống nhất, hết ngày 15/4 - khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực, kiến nghị Thủ tướng dựa trên các nghiên cứu sẽ phân các địa phương theo 3 nhóm và yêu cầu các địa phương cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh linh hoạt hàng ngày.
Các nhóm bao gồm: Nhóm nguy cơ cao; Có nguy cơ và Nguy cơ thấp, dựa trên các tiêu chí đã được tính toán cân nhắc.
Trong đó lưu ý các tiêu chí như đầu mối giao thông, mật độ di chuyển, đi lại lớn hay có biên giới, có nhiều người qua lại biên giới, các địa phương có tiếp xúc nhiều với người nước ngoài.
Bên cạnh đó là mật độ dân cư, mật độ các nhà máy xí nghiệp tập trung. Đặc biệt, có nhóm tiêu chí liên quan đến yếu tố chủ quan của chính quyền về năng lực ứng phó trong trường hợp phát hiện ca bệnh và năng lực thực hiện các chỉ đạo, khuyến nghị, Chỉ thị phòng, chống dịch.
Ban chỉ đạo nhất trí, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly xã hội như Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần tại các tỉnh, TP nằm trong Nhóm nguy cơ cao và dựa trên tình hình dịch bệnh để có hành động tiếp theo.
Ban chỉ đạo cũng nhất trí yêu cầu bắt buộc với tất cả các địa phương trên cả nước dù ở nhóm nguy cơ nào cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, đảm bảo vệ sinh dịch tễ đã hướng dẫn.
Cùng với cách ly xã hội ở nhóm các địa phương có nguy cơ cáo, Ban Chỉ đạo đề xuất những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong trường hợp thật cần thiết sẽ được tổ chức theo hướng tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.
Tại những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được phép hoạt động có điều kiện, trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ.
Đối với hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài. Ở trong nước, tùy vào mức độ, nguy cơ, từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những quy định cụ thể.
Qua báo cáo của 58 tỉnh, TP gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đến sáng nay, 24 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết tháng 4; có 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện cách ly xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị cách ly xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ cách ly xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.