Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2022 của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” sẽ có 20 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 55.000 đối tượng phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi; 5 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.
Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời; mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng…
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp.
Sẽ có 20.000 phụ nữ được Hội hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; 1.200 tổ hợp tác/ hợp tác xã do phụ nữ quản lý được hỗ trợ thành lập; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đề án hướng tới tất cả các đối tượng phụ nữ, trong đó quan tâm hỗ trợ những phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp; các tổ hợp tác/HTX, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ; đặc biệt ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, Hội LHPN được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp phụ nữ về các chủ trương, chính sách, pháp luật về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tổ chức Ngày Phụ nữ Khởi nghiệp; kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, trong khóa tập huấn chuyên đề triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XII tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho cán bộ chuyên trách Hội các tỉnh, thành, đơn vị Hội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức giới thiệu về nội dung Đề án và có những hướng dẫn bước đầu để các tỉnh, thành, đơn vị Hội tiếp nhận thông tin, nắm được những vấn đề cơ bản của đề án và trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp Hội trong triển khai Đề án.