Kể từ ngày 1-7-2010, lái xe ô tô sơ mi rơ moóc (SR) không có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC sẽ bị phạt nặng. Hiện cả nước có tới 60% số người điều khiển phương tiện này “thiếu” bằng và đang “chờ”… bị phạt. Riêng Hải Phòng hiện có 6.000 xe và 9.000 lái xe container nhưng chỉ có 6 đơn vị dạy và 3 đơn vị sát hạch nâng hạng bằng FC, mỗi năm đào tạo 1.000 học viên. Như vậy, phải 9 năm, số lái xe loại này ở Hải Phòng mới hoàn thành việc nâng hạng?
Nếu không có bằng FC, đến cuối năm 2010, hàng nghìn lái xe công - ten nơ không được phép điều khiển loại phương tiện này Ảnh: Trường Giang
|
Cả doanh nghiệp và lái xe đều thờ ơ ?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ sau 1 năm luật này có hiệu lực, vào thời điểm này, tất cả lái xe container phải thi chuyển bằng lái xe có rơmoóc (bằng FC) thay vì chỉ có bằng C như trước đây. Trên thực tế, tại thời điểm Luật GTĐB có hiệu lực (1-7-2009), cả nước còn khoảng hơn 10 nghìn lái xe loại này. Nếu ngay lập tức chuyển đổi sẽ không khả thi, nên ngày 15-4-2009, Bộ GTVT có quyết định 997 cho phép lùi thời hạn thực hiện bằng FC đến 1-7-2010. đến nay, nguy cơ các lái xe SR không có bằng FC sẽ bị xử phạt nặng khi hành nghề. Ở Hải Phòng việc tổ chức cho 9.000 lái xe ô tô đầu kéo đang hoạt động đồng loạt thi bằng FC cùng một lúc là chuyện không thể đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng đề xuất: GPLX hạng C và hạng FC thực chất chỉ khác nhau ở phần thực hành, lý thuyết giống nhau. Vì vậy có thể rút ngắn thời gian chuyển đổi bằng cách chỉ thi phần thực hành. Tuy nhiên, nếu dừng hoạt động vận tải sẽ xảy ra ứ đọng hàng hóa tại các cảng. Bởi theo thống kê, 80% lượng hàng tập kết và rút hàng tại các cảng biển khu vực Hải Phòng do loại phương tiện này đảm nhiệm.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn bắt buộc có GPLX hạng FC thêm 1 năm nữa (tức 1-7-2011). Các Hiệp hội vùng miền trên cả nước cũng kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT cho xét đặc cách chuyển đổi GPLX hạng FC đối với các lái xe đã có đủ điều kiện lái ô tô đầu kéo SR theo quy định trước đây (đủ 24 tuổi; có GPLX hạng C, D, E; 3 năm thâm niên và được doanh nghiệp xác nhận 50 nghìn km lái xe an toàn)... Anh Nguyễn Thành Trung lái xe container cho biết: “Ban hành quy định xử phạt là đúng, nhưng thời điểm áp dụng luật chưa hợp lý, đặc biệt là điều kiện cho phép chuyển đổi GPLX. Thực tế, chúng tôi chỉ là người đi làm thuê, khi bị phạt, lái xe lấy tiền đâu để nộp? Không có bằng FC, chủ doanh nghiệp không thể giao xe cho lái xe, không có xe thì lái xe mất việc làm, tạm dừng hoạt động vận tải thì người lao động sẽ thất nghiệp, hàng hóa ứ đọng, ai chịu trách nhiệm?
Các văn bản chồng chéo
Ngay trước giờ G có hiệu lực, tức ngày 1-7-2010, Bộ GTVT lại vừa đồng ý gia hạn cho lái xe đầu kéo kéo sơmi rơ móoc phải kết thúc sát hạch, chuyển đổi bằng C, D, E lên bằng FC xong trước ngày 31-12-2010 thay vì từ 1-7- 2010 như quy định trước đó. Trước sự chống chéo và thay đổi liên tục của các văn bản chung quanh vấn đề nâng hạng bằng FC, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng cùng có kiến nghị lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin gia hạn lùi thời hạn này 1 năm (tức là tới 1-7-2011) vì cho rằng, năng lực sát hạch của các trung tâm không bảo đảm kịp tiến độ. Song, cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Đường bộ cho rằng, chỉ cần gia hạn thêm 2 tháng (trước ngày1-9-2010) là đủ thời gian để các cơ sở sát hạch và cấp GPLX, giải quyết hết nhu cầu về GPLX hạng FC. Vì vậy, các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp và lái xe cần khẩn trương đến đăng ký tại các sở GTVT để tham gia đào tạo, sát hạch. Nhưng, quyết định mới nhất của Bộ GTVT nói rõ, thời gian gia hạn cho công tác sát hạch bằng FC tới hết ngày 31-12-2010. Đây là lần thứ 2, Bộ GTVT gia hạn để các cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT và doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container có thời gian chuẩn bị.
Trước quyết định của Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng vừa mừng, vừa lo…Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng Phạm Trọng Thịnh cho biết: Với 6.000 xe SR và khoảng 9.000 lái xe có bằng C trở lên, thời điểm này, Hải Phòng mới có gần 30% số lái xe chuyển đổi được bằng FC. Nếu Bộ GTVT không lùi thời hạn thực hiện bằng FC thì 70% số đầu xe container phải ngừng hoạt động. Trong khi việc chuyển đổi bằng lái từ hạng C lên FC rất chậm. Thứ nhất, bởi không khả thi khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực (1-7-2009) quy định lái xe container phải có bằng FC (thay bằng C), Bộ GTVT đã lùi thời hạn cho quy định này đến ngày 1-7-2010. Trong đó tưởng như điều kiện đã được mở rộng, song thực tế giới hạn thời gian đăng ký cho các lái xe thuộc diện "đặc cách" (đối với người có bằng hạng C, D, E đủ thâm niên 3 năm và 50.000 km lái xe an toàn) chỉ trong vòng 1 tháng, vừa gấp gáp về thời gian, vừa đặt tiêu chuẩn quá cao. Ở điều kiện nâng hạng, thời gian bắt buộc phải đủ 210 giờ học (tương đương 1 tháng học) cả lý thuyết và thực hành - thật ra là lãng phí về lộ trình. Các trung tâm dạy nghề lái xe, hầu như khi có quy định của Luật Giao thông đường bộ về bằng FC mới chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất đào tạo, nâng hạng. Vì vậy, tại 4 cơ sở dạy nghề lái xe của Hải Phòng như Trường trung cấp nghề GTVT, Trường CĐ nghề số 3 Bộ Quốc phòng, Trung tâm dạy nghề lái xe Nam Triệu, Trung tâm đào tạo lái xe Lam Sơn… chỉ có 8-10 giáo viên chuyên dạy nâng hạng FC, 1-3 xe đầu kéo rơmooc, 1 bãi tập. Mỗi năm, các cơ sở này chỉ mở được 8-11 khoá học, tương đương 1.000 lái xe có bằng FC. So với nhu cầu thực tế chỉ đáp ứng được 20% cho lái xe đang có bằng C, D, E. Do đó, việc gia hạn lần thứ 2 của Bộ GTVT thêm 6 tháng nữa là thời cơ cho các doanh nghiệp và lái xe có thêm thời gian chuyển đổi, nâng hạng. Cùng với đó, các doanh nghiệp và lái xe buộc phải tính toán trong việc hoàn thành nâng hạng bằng FC cho tất cả lái xe có bằng C đang điều khiển phương tiện vận tải hạng nặng. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải khẩn trương đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT hoặc với Hiệp hội sắp xếp cho lái xe tổ chức sát hạch, chuyển đổi bằng, mới đáp ứng yêu cầu.
Anh Tú