Sẽ có bước ngoặt trên bán đảo Triều Tiên?

Ông Trump và ông Kim tại cuộc gặp ở Việt Nam
Ông Trump và ông Kim tại cuộc gặp ở Việt Nam
(PLVN) - Theo TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao, thành công nhất của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa diễn ra chính là chuyến thăm song phương của Chủ tịch Triều Tiên tới Việt Nam. 

Những điều đáng tiếc

Theo TS. Trần Việt Thái, sau kết quả họp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018, Mỹ và Triều Tiên đã chốt 3 nội dung và hướng để thảo luận tại Hà Nội. Nội dung thứ nhất là phi hạt nhân hoá, đi kèm với đó là dỡ lệnh cấm vận. Thứ hai là thiết lập hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và thứ ba là thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong đàm phán vừa rồi, Mỹ đã gói 2 vấn đề làm 1 để đánh đổi, tức là vấn đề phi hạt nhân hoá phải được gói với vấn đề dỡ lệnh cấm vận; còn Triều Tiên thì muốn tách ra. “Đó là cái gốc của vấn đề. Chính gói đó làm “vỡ trận” cuộc gặp vừa qua, khiến 2 bên không ký được tuyên bố chung. Nếu các vấn đề kia tách ra thì không sao. Đây chính là cái chốt”, ông Thái nhận định.

Về vấn đề thiết lập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, TS. Thái cho hay, với Triều Tiên, chỉ cần ký được một tuyên bố có ý nghĩa chính trị đã là rất tốt vì hiện nay, trên bán đảo Triều Tiên chỉ có một hiệp định đình chiến. Tức là bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh nên phải chi cho quân đội rất nhiều; nếu có tuyên bố kết thúc chiến tranh thì có thể yêu cầu quân đội cải tổ và thu nhỏ quy mô.

Ở Triều Tiên, nam giới đến tuổi 18 phải đi lính nghĩa vụ 10 năm, nữ giới phải đi lính nghĩa vụ 7 năm, hụt đi nhiều nguồn lực tham gia vào sản xuất hay các lĩnh vực. Nếu không có tuyên bố đó thì Triều Tiên sẽ không sửa được Luật nghĩa vụ quân sự, không sửa được những thứ khác. “Thực tế, tuyên bố kết thúc chiến tranh dù chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị nhưng đối với Triều Tiên lại cực kỳ cần thiết nếu muốn chuyển đổi và phát triển”, ông Thái cho hay. 

Về vấn đề thứ 2 là thiết lập quan hệ ngoại giao, Triều Tiên muốn “duy trì liên lạc thường xuyên hơn”, còn Mỹ sẵn sàng đi xa hơn, tức là sẵn sàng thiết lập văn phòng liên lạc. Vấn đề thứ 3 là gói gồm 2 điểm. Về phi hạt nhân hoá, Mỹ nêu 6 điểm rất cụ thể. Thứ nhất, là kiểm kê đầy đủ, bao gồm kiểm kê tất cả các cơ sở hạt nhân; số lượng, chủng loại máy gia tốc; số lượng, chủng loại đầu đạn... Thứ hai là thanh sát. Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải chấp nhận thanh sát không giới hạn. Thứ ba là phá huỷ tại chỗ, tức những gì không thể di dời khỏi lãnh thổ được thì Triều Tiên phải phá huỷ tại chỗ và phải có kiểm chứng… 

Thứ tư là chuyển khỏi Triều Tiên một số những phương tiện, nguyên liệu đặc biệt nhạy cảm như các đầu đạn uranium đã làm giàu; đầu đạn hạt nhân, đặc biệt là các  loại đã sản xuất xong… Tiếp đó là kiểm soát về con người, Mỹ yêu cầu Triều Tiên thống kê có bao nhiêu chuyên gia, học ở đâu, làm gì… Cuối cùng là phải có cơ chế giám sát và đảm bảo thực thi. “Trong đàm phán, 6 điểm đó là phương án cao nhất mà Mỹ mong muốn. Còn phía Triều Tiên, Triều Tiên chỉ muốn thực thi từng bước và có lộ trình mà Triều Tiên kiểm soát được”, TS. Thái cho hay.

Đối với dỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ nói rõ không dỡ bỏ lệnh cấm vận cho đến khi nào Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá. Nhưng vì khác biệt ở khái niệm phi hạt nhân hoá và chưa có lộ trình nên về sau này, trong quá trình đàm phán, Mỹ có linh hoạt điều chỉnh một chút và nói sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận có tính nhân đạo và nếu Triều Tiên đi một bước có ý nghĩa thì Mỹ cũng sẽ đáp lại một bước có ý nghĩa, nhưng không nói cụ thể dỡ bỏ thế nào. Có lẽ Triều Tiên đặt kỳ vọng hơi cao, chưa hiểu hết Mỹ.

Đâu là điểm mấu chốt?

Theo TS. Trần Việt Thái, bắt đầu từ ngày 21/2, đại diện của Mỹ và Triều Tiên đã đàm phán tại khách sạn Nikko, đã dự thảo được 2 văn kiện và 4 điểm then chốt. Hai văn kiện là một tuyên bố chung và tuyên bố về chấm dứt chiến tranh, đã xong hết, thậm chí đã đưa chữ Tuyên bố Hà Nội về chấm dứt chiến tranh.

Còn 4 nội dung then chốt bao gồm: một là kết thúc chiến tranh. Hai là Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ có kiểm chứng cơ sở ở Yongbyon, nhưng không nói rõ những nội dung gì trong Yongbyon mà để ngỏ cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều quyết định. Ba là Triều Tiên đã chấp nhận thanh sát hạn chế, không phải là thanh sát đầy đủ. Bốn là Triều Tiên đồng ý cho phép Mỹ lập văn phòng liên lạc và Mỹ cũng đồng ý cho phép Triều Tiên lập văn phòng liên lạc. 

Một điểm nữa là hai bên đã đạt được thoả thuận về một cơ chế bảo đảm thực thi trong tiến trình này. Mỹ nói rõ nếu Triều Tiên có bước đi ý nghĩa và Mỹ chấp nhận được thì Mỹ sẽ có những biện pháp tương ứng về mặt cấm vận, nhưng cũng không nói rõ là cái gì. Đây cũng là điểm cũng để ngỏ cho Trump và Kim đàm phán ở cấp 1+1 và 1+1 mở rộng.

Theo TS. Thái, mấu chốt nhất dẫn đến việc 2 bên không ký được tuyên bố chung là vào phút chót, ngay sau cuộc họp mở rộng 1+1, do bất đồng về gói cấm vận và vấn đề hạt nhân hoá, 2 bên đã không đạt được mục đích của mình. Một phần khác là do cách làm, khi đàm phán cấp làm việc đã không chốt ngay được mà để ngỏ cho cấp cao mà cấp cao vào đúng hôm đó ở Mỹ có các diễn biến nội bộ không có lợi cho ông Trump, tác động đến quyết định cuối cùng của ông.

“Rất tiếc là “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”, đàm phán cấp làm việc đã không dứt điểm mà để cho ông Trump quyết định mà đúng hôm đó nội bộ Mỹ lại xảy ra các diễn biến không thuận lợi”, ông Thái cho hay.

Thành công nhất của hội nghị

Theo TS. Trần Việt Thái, một trong những thành công nhất của Hội nghị lần này là ta đã thể hiện được thiện chí và sự chân thành của Việt Nam đối với tất cả các bên. “Đấy là điểm được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhất. Chúng ta là chủ nhà, chúng ta đã hỗ trợ hết sức và làm tốt nhất có thể, đặc biệt sự chân thành của Việt Nam đã được hai bên và cộng đồng quốc tế ghi nhận”, ông Thái thông tin.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao cho rằng hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội tuy không đạt tuyên bố chung, không ký được gì nhưng có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là làm cho hai bên xích lại gần nhau hơn. Thứ hai là cho thấy rõ nỗ lực của chủ nhà cũng như của 2 bên trong việc tiến tới giải quyết một trong những di sản nặng nề nhất của Chiến tranh Lạnh là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, qua đó góp phần vào hoà bình ổn định. Thứ ba, tuy hai bên đi mà không ký được gì nhưng vẫn để ngỏ khả năng gặp lại, vẫn giữ cầu. 

Đặc biệt, thành công nhất của các hoạt động lần này là khi ông Kim đến Việt Nam và đoàn Triều Tiên đi thăm khắp nơi. “Người Triều Tiên có lòng tự tôn rất cao, không chịu thua kém ai. Những năm 1960 họ đã từng đứng đầu châu Á. Trong con mắt của người Triều Tiên, họ nghĩ họ là cường quốc, nhưng ngày nay, đoàn Triều Tiên phân công nhau đi khắp Hải Phòng, Hà Nội... và vô cùng ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam. Người Triều Tiên không chịu kém ai đâu, tôi tin rằng sau đây sẽ có bước ngoặt”, ông nói.

Ông Thái cho rằng thành công nhất của Hội nghị lần này chính là chuyến thăm song phương của Chủ tịch Triều Tiên tới Việt Nam. “Cái hay nhất của lần này là người Triều Tiên ngỡ ngàng trước phong cảnh của vịnh Hạ Long, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Họ ngỡ ngàng khi đi thăm công nghệ. Không phải Triều Tiên không biết giới hạn đỏ của Mỹ, họ biết nên họ cố tình thiết kế Hà Nội để có chuyến thăm chính thức. Đối với Mỹ đây là hoạt động phụ nhưng với Triều Tiên đây lại là hoạt động rất có ý nghĩa”, ông nhận định. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.