Chiều 5/10, tại cuộc họp báo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9 và quý III/2023 của Bộ Tài chính, trả lời báo chí về các công văn của Tổng cục Thuế liên quan đến hoàn thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn khẳng định, đây là các công văn nội bộ nhằm thực hiện tăng cường quản lý hồ sơ, còn việc thực hiện vẫn phải theo đúng quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, sau khi có Công điện 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ công tác về hoàn thuế để tập hợp các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục trưởng của 63 Cục Thuế trực tiếp giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cho nên không có độ trễ trong duyệt hồ sơ hoàn thuế.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức trong thực hiện công tác hoàn thuế, đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định tại Luật Thuế GTGT… “Với các giải pháp đó, cùng với giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội nên thời gian qua, công tác hoàn thuế đã được đẩy mạnh…” - ông Sơn đánh giá.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, cơ quan thuế đã ban hành 12.721 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 98.606 tỷ đồng, bằng 53% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.
Về những giải pháp đẩy mạnh hoàn thuế trong thời gian tới, Phó Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, cùng với việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ trong thực hiện công tác hoàn thuế, Tổng cục Thuế đang xây dựng tiêu chí hoàn thuế tự động dự kiến sẽ ban hành trong quý IV/2023. “Khi đã có tiêu chí hoàn thuế tự động, hệ thống sẽ tích hợp tự động. Qua đó sẽ minh bạch và đẩy nhanh tốc độ hoàn thuế cho DN…” - ông Sơn nói.
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, hoàn thuế phải đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng gian lận chiếm đoạt tiền nhà nước. Giải pháp hoàn thuế phải bảo đảm 2 yêu cầu là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương công vụ của cán bộ thuế.
“Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khẳng định đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục phải quan tâm, không phải theo đợt hay theo kỳ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, DN còn nhiều khó khăn. Hoàn thuế sớm ngày nào là hỗ trợ thuận lợi hơn cho DN bớt khó khăn, có dòng tiền sớm sẽ tăng cường tiềm lực tài chính, đóng góp hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội…” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Nếu có gian lận sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…”.
Liên quan đến việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân (MSTCN) theo mã định danh công dân (MĐDCD), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, hiện ngành Thuế đã cấp được 75 triệu MSTCN. Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành Thuế đang thực hiện chuyển đổi MSTCN theo MĐDCD. Trên cơ sở quy chế phối hợp, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang tiến hành đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư để sau khi Thông tư hướng dẫn có hiệu lực, sẽ chuyển đổi hoàn toàn MSTCN theo MĐDCD. Kết quả chuyển đổi mang lại sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Hiện theo Đề án 06, MĐDCD sẽ tích hợp cả MSTCN, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ không có sự chồng chéo trong việc tích hợp thông tin, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Mặt khác, mỗi cơ quan đều có quy định riêng trong việc khai thác dữ liệu, nhưng pháp luật vẫn có quy định bảo vệ bí mật thông tin, nên việc chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân không ảnh hưởng tới công dân.