Bước ngoặt quản lý vốn Nhà nước
Kể từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị vốn Nhà nước hơn 30.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2017 đến nay, triển khai cơ cấu lại SCIC theo Quyết định 1001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã tiếp nhận DN đạt kết quả vượt trội, với giá trị hơn 21.094 tỷ đồng, chiếm tới 68,5% giá trị tiếp nhận của SCIC từ khi thành lập.
SCIC cũng đã tổ chức bán vốn tại 1.040 DN, bán quyền mua tại 19 DN với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn. Riêng giai đoạn 2017 - 2021, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Với vai trò là nhà đầu tư (NĐT) của Chính phủ, SCIC đã tham gia vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng.
17 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, đạt kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt gần 60.500 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); Vốn hóa thị trường đạt của danh mục trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).
Cần cơ chế đặc thù
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch CMSC, thời gian tới SCIC phải sử dụng nguồn vốn đang có để thực hiện đầu tư, thể hiện rõ nét vai trò NĐT Chính phủ. Để làm được việc này, đầu tiên SCIC phải tự chứng minh bản thân mình bằng cách có đội ngũ quản lý, lựa chọn đầu tư cũng như triển khai việc đầu tư một cách có hiệu quả để tạo được lòng tin, độ tin cậy của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có liên quan;
Thứ hai, lựa chọn danh mục, dự án, khoản mục đầu tư phù hợp trong khả năng quản trị của SCIC;
Thứ ba là năng lực của SCIC trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy để phối hợp tham gia thực hiện các dự án đầu tư.
Trước đó, tại Hội nghị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Thủ tướng năm 2022, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC đã đề xuất cần có một hệ thống cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá và đầu tư bổ sung cho một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, tập trung vào các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.
“Theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật Ngân sách Nhà nước hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của DNNN không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương đang được kết chuyển về ngân sách Nhà nước theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp DNNN cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch COVID-19 vừa qua) thì sẽ không có nguồn vốn để đầu tư. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các DN” - ông Thành đề nghị.
Lãnh đạo SCIC cũng cho rằng, với vai trò là NĐT của Chính phủ, SCIC có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia…
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, với nguồn lực và kinh nghiệm SCIC đã tích lũy sau 17 năm hoạt động, việc SCIC thực hiện vai trò NĐT của Chính phủ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC...
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC:
SCIC đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi”
Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã xác định một trong những nguồn lực để thực hiện chương trình là năng lực đầu tư của SCIC. Khi tham gia đầu tư, SCIC đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và NĐT nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC như: Uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; Có năng lực tài chính vượt trội; Lợi thế về nguồn vốn, quỹ đất, kinh nghiệm triển khai dự án và kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư của SCIC.
Về lĩnh vực và dự án đầu tư, SCIC hợp tác đầu tư với một số tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của CMSC để tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của Nhà nước có nhu cầu huy động vốn; Đầu tư tăng vốn tại một số ngân hàng thương mại; Đầu tư bổ sung vốn vào một số DN lớn, đang hoạt động hiệu quả và có tiềm năng trong danh mục của SCIC; Góp vốn thành lập quỹ đầu tư với nước ngoài tại Việt Nam; đầu tư trên thị trường tài chính.