Nghệ thuật xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái, được coi là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, cũng được coi là phương tiện giao tiếp, kết nối mọi người xích lại gần nhau hơn. Nghệ thuật múa xòe Thái đã có từ rất lâu đời, xuất phát từ lao động sản xuất, trong những dịp vui hội bản làng.
Theo các già làng cho biết có tới 32 điệu xoè, nay chỉ còn giữ được một số điệu. Xoè vòng sôi nổi bao nhiêu thì xoè điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Xoè khăn thì thật duyên dáng và hấp dẫn... Các cô gái Thái trong điệu xoè khăn với chiếc khăn Piêu truyền thống trong tay lúc chạm vào lúc mở ra từ từ từng cánh như bông hoa. Có lúc khăn lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng bên má, khi e thẹn xoay tròn trước ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm mùa xuân.
Văn hóa Thái còn gìn giữ được sáu điệu xòe cổ, điệu “khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt, điệu “khấm khăn mời lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách, điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người, điệu “đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau, điệu “nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… điệu “ỏm lọm tốp mư” vòng tròn cổ tay thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.
Điệu Xòe điệu “ỏm lọm tốp mư” thể hiện sự vui mừng gặp gỡ. |
Theo truyền thống của dân tộc Thái vào những ngày lễ, tết, ngày vui của dòng họ, gia đình, nhất là nhà đón khách quý… vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng và bên ánh lửa bập bùng, bên hũ rượu cần tay trong tay tình cảm con người gần gũi, xiết chặt thể hiện nét đẹp truyền thống nhân văn sâu sắc.
Là dân cư nông nghiệp, người Thái thường tìm đến sinh sống cộng đồng thành bản gần nguồn nước ven sông, suối, định cư khá bền vững ở các thung lũng trù phú dưới chân đồi với cuộc sống làm lúa nước và phát nương làm rẫy, làm nghề rừng. Người Thái có nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, nền văn hóa đa dạng: thơ, hoa, văn, y phục, nhạc lý, làn điệu dân ca… và phải kể đến điệu múa xòe. Cuộc sống lao động đã hình thành nên một trong những nét đẹp truyền thống là vòng xòe, tiếng Thái là “Xóe voóng”.
Mọi người cùng nắm tay nhau múa theo điệu nhạc quanh hũ rượu cần. |
Truyền thống xòe Thái nổi bật hơn, trầm bổng hơn, có nhạc xòe bằng khèn bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh làm nhạc nền cho người múa. Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái không gian nhỏ mà khuôn múa lớn, có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”.
Nét duyên dáng của cô gái Thái qua điệu múa xòe |
Sự tao nhã của múa xòe là cách mời bạn xòe của các thiếu nữ dân tộc Thái và phong tục mời rượu khi tham gia xòe. Những hàng cúc bướm lóng lánh, nụ cười duyên dáng, bàn tay mềm mại nâng chén rượu nồng làm đắm say lữ khách phương xa, tạo nên ấn tượng khó phai đối với ai từng một lần tham gia xòe vòng. Ngày nay đêm hội xòe hoa thể hiện sự đoàn kết trong niềm vui cuộc sống thanh bình, thể hiện sự mến khách của các dân tộc Tây Bắc.
Múa dân gian Thái là một trong những biểu hiện của nền văn hóa dân tộc. Nó là sự chắt lọc tinh hoa của phong tục tập quán mang tính tích cực của dân tộc. Những tinh hoa ấy được phát triển theo quy luật của cái đẹp mang bản sắc dân tộc; phản ánh sức sống và trình độ phát triển của cả cộng đồng, góp phần tạo nên sức mạnh của quốc gia và thể hiện bộ mặt của xã hội.
Bảo tồn, kế thừa và phát triển múa dân gian Thái là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu khoa học, của các cơ quan văn hóa. Và, đó là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.