Ngày 22-5, HĐXX TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân tử vong. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế - đã đến tham gia phiên tòa với tư cách đại diện Bộ Y tế. Ông Quang đã trả lời một số nội dung liên quan đến quy trình, kỹ thuật và công tác quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết tháng 4-2018 - sau khi xảy ra sự cố y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình - Bộ y tế đã ban hành bộ 52 quy trình chạy lọc thận, trong đó có 7 quy trình liên quan lọc nước RO vào tháng. Trước đó, toàn bộ vấn đề liên quan hệ thống nước RO áp dụng theo 2 tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Theo ông Quang, Đây là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện áp dụng, các nhà sản xuất cũng phải công bố tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tối thiểu tiêu chuẩn Việt Nam quy định.
Về chủ trương xã hội hóa trang thiết bị y tế, ông Quang cho biết đã quy định rõ trong Thông tư 15 do Bộ Y tế ban hành. Chủ trương này cho phép xã hội hóa, liên doanh liên kết trong các cơ sở công lập. Theo quy định, Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với BV tỉnh. Thế nhưng, đến thời điểm xảy ra sự cố, bộ chưa nhận được báo cáo chính thức về việc này. Bộ Y tế không nhận được thông tin liên doanh liên kết tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Về trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ tai biến y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ uy tín BV mà cả ngành y tế Hòa Bình và cả nước. Bộ Y tế phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, thấy hệ thống quy định liên quan đến chạy thận nhân tạo không cập nhật đầy đủ, thường xuyên.
Trả lời câu hỏi cụ thể về người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết theo Luật Tổ chức Chính phủ thì trách nhiệm quản lý nhà nước cao nhất là Bộ Y tế, mà người đứng đầu là bộ trưởng, bên cạnh đó là các cơ quan tham mưu, giúp việc.