Chủ tịch tỉnh hai lần ra công văn đề nghị xử lý
Sau khi có phản ánh của Báo PLVN, chiều 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã có Công văn số 4937/UBND-TN giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phong Điền khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh.
Chưa dừng lại, vào ngày 26/7, vị Chủ tịch UBND tỉnh này thể hiện sự cầu thị và có hành động làm rõ vấn đề rất quyết liệt khi tiếp tục có Công văn số 5474/UBND-TN yêu cầu Sở TN&MT xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Trường Thịnh; báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 20/8.
Ngày 31/7, Thanh tra Sở TN&MT đã có quyết định số 31/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính với Công ty TNHH Trường Thịnh. Quyết định nêu rõ: Phạt 60 triệu đồng về hành vi phát hiện khoáng sản mới trong quá trình khai thác mà không báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt 60 triệu đồng về hành vi thu hồi, sử dụng khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cho phép. Tổng số tiền Công ty Trường Thịnh phải nộp phạt là 120 triệu đồng.
Theo Sở TN&MT, qua kiểm tra thực địa tại khu vực đồi Vũng Nhựa, phần trên bề mặt địa hình của mỏ là lớp đất làm vật liệu san lấp, xen kẽ có một phần oxit sắt cao. Tại moong khai thác lộ thiên có xuất hiện đất dạng sét màu vàng pha cát, đá, đất có dạng đá phiến sét màu nâu đen. Hai loại cấu trúc địa chất trên phân thành từng mạch.
Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Trường Thịnh. |
Sở đã làm việc với Công ty Trường Thịnh, thấy rằng Công ty này đã xuất bán theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm (đóng tại huyện Phong Điền) và Công ty TNHH Xi măng Luks Việt Nam (đóng tại thị xã Hương Trà). Công ty Trường Thịnh đã bán nguyên liệu phụ gia cho sản xuất clinker; đá sét đen có hàm lượng oxit silic cao làm phụ gia xi măng.
Trả lời Sở TN&MT, đại diện Công ty Trường Thịnh cho rằng “không biết đó là khoáng sản, không nắm vững các quy định pháp luật nên mới vi phạm”. Ngoài ra, Công ty này còn cho rằng “các loại khoáng sản phân tán rải rác trong mỏ, chỉ khai thác được khi thực hiện cùng với khai thác đất làm vật liệu san lấp”.
Hai nhà máy xi măng cũng vi phạm
Theo ông Hồ Đắc Trường (Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế), Nhà máy Xi măng Đồng Lâm và Lusk đã được cấp mỏ khai thác đá vôi và đất sét để làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Còn các nguyên liệu khác, các công ty này mua từ bên ngoài, trong đó thạch cao có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan. Với các loại phụ gia khác được mua của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua xác minh cho thấy một phần phụ gia nhập vào hai nhà máy nói trên có nguồn gốc không rõ ràng.
Ông Phan Văn Thông (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh) cho biết thêm, sau khi nhận được phản ánh của PLVN, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện đúng là Công ty Trường Thịnh có khai thác khoáng sản tại mỏ đất san lấp được tỉnh cấp. Số khoáng sản này được cung ứng cho các nhà máy xi măng trên địa bàn.
Việc nhập bán các loại khoáng sản làm phụ gia xi măng của Công ty Trường Thịnh đến nhà máy xi măng đều có hợp đồng, nhưng những nhà máy xi măng trên không nêu rõ nguồn gốc, địa chỉ cụ thể khoáng sản được khai thác từ mỏ nào? “Các nhà máy xi măng nếu không ghi rõ nguồn gốc mà chỉ ghi chung chung thì Sở sẽ tham mưu lên các cấp có liên quan để xử phạt”, ông Thông nói.
Mỏ đất tạm thời bị đình chỉ để cơ quan chức năng kiểm tra. |
Còn với Công ty Trường Thịnh, nếu khai thác đất san lấp mà phát hiện khoáng sản thì phải dồn lại, chưa được phép bán mà phải báo ngay với Sở, Sở lại báo cáo lên UBND tỉnh, sau đó đoàn kiểm tra cho phép mới được bán. “Việc cấp phép cho mỏ khoáng sản làm phụ gia xi măng thì Bộ TN&MT mới được cấp”, ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông, hiện Sở TN&MT đang yêu cầu Công ty Trường Thịnh báo cáo tổng lượng khoáng sản đã bán cho các nhà máy xi măng trong thời gian vừa qua để Sở TN&MT phối hợp với Sở Công Thương làm rõ thêm trách nhiệm liên quan.
Giám đốc Sở TN&MT nói: “Hoan nghênh Báo PLVN đã điều tra phản ánh sự việc. Chúng tôi không bao che cho các đối tượng sai phạm. Sở cũng thường xuyên có chương trình, kế hoạch kiểm tra các mỏ trên địa bàn nhưng vì cán bộ mỏng (Phòng Khoáng sản chỉ có 3 người - PV) nên việc nắm sai phạm gặp khó khăn. Hiện Thanh tra Sở vẫn đang làm việc để có báo cáo cụ thể, chính xác nhất gửi lên UBND tỉnh”.
Ông Trịnh Đức Hùng (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) nói: “Huyện rất cám ơn Báo PLVN đã phản ánh sự việc. Trong thời gian qua, tôi đã cho anh em tăng cường kiểm tra, rà soát lại tình hình khoáng sản đóng trên địa bàn, ngay cả thứ Bảy, Chủ nhật các cán bộ liên quan cũng phải làm việc. Theo tôi, hiện việc quản lý nhà nước trong khai thác khoáng sản còn kém, nhiều buông lỏng. Cán bộ phải làm việc nghiêm minh, trách nhiệm hơn”.