Nhớ hồi đó, cái hồi còn chưa xa quê lang bạt kỳ hồ tìm con chữ, cứ mỗi chiều mưa như thế này là tôi ngồi bên chiếc bàn nhìn cây sầu đâu trước nhà trút nước xuống mặt sân, “lộp độp” rồi vang vào khoảng tối trước nhà, không có tiếng nào vọng lại, nối tiếp nhau như thế đến dứt con mưa.
Cây sầu đâu chắc năm nay cũng ba chục tuổi. Ông nội kể, hồi ông trồng nó, ba tôi còn chưa cưới má tôi. Nó nhỏ xíu, chỉ vài chiếc lá non mơn mởn, mỏng manh như thể có cơn gió mạnh thổi qua nó sẽ chẳng thể nào trụ nổi. Vậy đó, mà âm thầm bám đất lớn lên, đất cũng nghèo nên nó chật vật lắm mới vươn cành xanh tốt được. Có lần bão đi qua, nhà tốc mái, cành lá nó cũng xác xơ, chỉ còn trơ trọi lại một cành phất phơ trong gió. Ai cũng bảo nó sẽ chết, mà lạ, chỉ còn một cành mà vẫn sống, đâm chồi mới, rồi bung tán che mát một khoảng sân, một sức sống mãnh liệt và phi thường hết biết. Nay qua mấy mươi năm, thân nó đã to lắm rồi, mỗi năm ông nội hay bắt cái thang trèo lên để tỉa lại những nhánh cành rậm rạp. Những cành đó nội đem phơi khô, làm củi chụm, cháy khỏi bàn, mùi khói tỏa ra một vị là lạ mà thân quen không thể tả. Vỏ nó sần sùi, nứt ra in hằng những vết của thời gian, nứt nhưng khó trốc, bám chặt vào thân như lớp áo giáp bảo vệ cây khỏi những hàm răng sắt bén của những con côn trùng phá hại. Dường như chẳng có gì có thể xuyên qua lớp vỏ ấy, thời gian làm nó cứng hơn, nếu muốn xuyên qua được nó thì phải xuyên qua lớp thời gian dày đặc ôm lấy từng thớ vỏ.
Mùa nắng hay mùa mưa thì lá cũng đều xanh tốt, rì rào hát trong gió lộng của miền quê. Mùa mưa, những chồi non đâm ra mơn mởn, lá non lún phún vươn ra từ trong những lộc biếc, để lộ một món ngon làm nên phông vị ẩm thực quê nhà. Tôi nhớ nội hay lấy cái cây thật dài để móc những chùm lá non mơn mởn xuống làm gỏi, một vị đắng thét làm chùng đũa những thực khách mới ăn lần đầu, nhưng với chúng tôi vị đắng ấy là cả một tuổi thơ, cả một bầu trời đầy kí ức. Ở quê mà, trong bữa cơm làm gì có những món cao lương mỹ vị như thành phố, bọn trẻ tụi tôi cũng chẳng thể hình dung ra được là những món mỹ vị ấy có ngon hơn món gỏi sầu đâu của nội không, chỉ biết món gỏi này là một cực phẩm. Một cái vị đắng khi nhai, nhưng sau đó là một vị ngọt nơi cổ họng, kích thích vị giác làm bọn chúng tôi chẳng thể nào rời đũa.
Thích vị đắng mà ngọt ngào của món gỏi lá sầu đâu, thích cái bóng mát trước sân mỗi trưa trốn ngủ ra đó chơi trốn tìm, thích luôn cái vở cải lương “Vị đắng lá sầu đâu” buồn nao lòng dạ. Hay những lần nghịch đùa quậy phá bị nội bắt lên giường, ấy thế là thét khóc vì cây roi sầu đâu đánh đau chảy nước mắt. Ra sân trước gặp cây sầu đâu, ra sân sau gặp lá sầu đâu rụng, ngủ trưa dưới bóng mát cây sầu đâu,... dường như hình ảnh cây sầu đâu đã làm một phần nào đó trong tôi, không thể tách rời, là máu thịt, là cả tâm hồn của tôi.
Hôm nay, rời quê, xa quê mới thấy hình bóng cây sầu đâu luôn hiện về trong tâm tưởng, hình bóng căn nhà hay nụ cười của nội làm tôi thấy nhớ vô cùng, làm tôi thấy thương hết biết. Thành thị mà, của ngon vật lạ bán đầy đường, thơm, ngọt, đủ hình hài, màu sắc nhưng sao trong dạ tôi lại nhớ một vị mà thôi, đó là vị đắng, cái vị của miền quê, cái vị của hoài niệm xa xôi làm lòng tôi thổn thức. Đôi khi đêm về, nhớ thắt thẻo cái dĩa gỏi lá sầu đâu do chính tay nội trộn, cái tuồng cải lương phát ra từ cái radio nghe rè rè của ông nội. Bình dị mà thân quen, giản đơn mà nhớ mãi, nhớ đến độ muốn khóc òa lên như cái hồi cố trèo lên cây sầu đâu bị vỏ nó xước cho tứa máu. Lúc đó tôi khóc vì tức, nó dám làm tôi chảy máu, nay tôi khóc cũng vì tức, nó dám làm tôi nhớ da diết cái hình ảnh một miền quê bình dị...
Nhưng nói thì nói vậy chớ thương thấy mồ, sao mà nỡ ghét. Nó đã cùng tôi lớn khôn qua cả một thời thơ trẻ, nay nó cũng ở một góc hồn tôi để cổ vũ tôi phấn đấu từng ngày, một người bạn, vô tri nhưng nặng tình, nặng nghĩa.
Ngoài trời vẫn chưa dứt mưa, bóng tối thì dày đặc hơn nhiều, ôm trọn lấy tôi. Chắc ở quê, cây sầu đâu cũng đang thiêm thiếp ngủ trong cái bóng tối cô đặc xung quanh. Tôi không ngủ được, thấy lòng đắng ngắt, chẳng giống cái vị ngày xưa, không có chút ngọt nào đọng lại, cái vị đắng này làm tôi thấy xác xơ buồn. Chắc một hôm nào đó, thật gần thôi, lại phải khăn gói về quê, về để thưởng thức cái vị đắng ngày xưa, xa lâu nên thấy nhớ quá chừng.