Kiến nghị cho tồn tại
Theo UBND TP Phan Thiết, sau khi Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận những sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và quy hoạch đô thị, UBND TP Phan Thiết đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp xác định lại vị trí đối với 132 thửa đất có sai phạm, tổng diện tích hơn 170.000m2 trước khi cho phép chuyển đổi mục đích.
Kết quả rà soát cho thấy, trong số 132 thửa đất chuyển mục đích sai phạm trên, có 2 thửa chưa xác định được thông tin địa chính, 37 thửa xác định đúng vị trí, còn lại 93 thửa xác định sai vị trí. Trong số 93 thửa đất xác định sai vị trí, có 73 thửa xác định lại nghĩa vụ tài chính tăng so với thông báo trước đây, với số tiền chênh lệch là 9,3 tỷ đồng. Số tiền này cần phải truy thu nộp ngân sách.
Ngoài ra, UBND TP Phan Thiết cũng rà soát 34 thửa đất khác đã cho chuyển mục đích đúng quy định. Trong số 34 thửa đất này, có 18 thửa xác định nghĩa vụ tài chính có sai sót, với số tiền chênh lệch tăng 1,13 tỷ đồng. Đây là số tiền cần phải truy thu nộp ngân sách.
Theo UBND TP Phan Thiết, hiện nay hầu hết các thửa đất sai phạm đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất (sử dụng đất ). Đồng thời, các thửa đất này nhiều trường hợp đã xây nhà ở. Do đó, địa phương cho rằng căn cứ theo quy định của pháp luật thì không thể thu hồi, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi, hủy bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất .
Mặt khác, nhu cầu xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống của người dân tại các điểm dân cư này rất lớn và thật sự chính đáng, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp. Nguyện vọng của các hộ dân liên quan đến các thửa đất nói trên đều đề nghị xem xét cho các điểm dân cư tạo mới này được tồn tại để ổn định cuộc sống và cam kết bổ sung hạ tầng theo đúng yêu cầu của nhà nước. Bên cạnh đó, những người bị ảnh hưởng trực tiếp do có liên quan đến 132 thửa đất trên rất lớn, với hơn 500 trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất .
UBND TP Phan Thiết cho rằng nếu buộc tháo dỡ cơ sở hạ tầng, không cho tồn tại các khu dân cư trên thì sẽ gây tác động rất lớn, có khả năng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người, dễ tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự. Vì vậy, địa phương kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tồn tại các khu dân cư tự phát.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử |
Từ những lý do đã trên, Thường trực Thành ủy Phan Thiết thống nhất cho địa phương thực hiện việc truy thu thuế đối với các thửa đất sai phạm nhằm tránh gây thất thoát cho ngân sách. Hiện, UBND TP Phan Thiết giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Chi cục Thuế khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện việc truy thu này.
Như vậy, việc UBND TP Phan Thiết kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép tồn tại các khu dân cư tự phát, đồng nghĩa với việc giữ nguyên các quyết định đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận có sai phạm.
Sai phạm nghiêm trọng
Liên quan đến những sai phạm nói trên, ngày 21/8, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt 6 bị cáo, trong đó có các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cùng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể, Đỗ Ngọc Điệp (SN 1962, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết) 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Trần Hoàng Khôi (SN 1969, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết) 4 năm tù giam, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Phạm Thanh Thái (SN 1974, nguyên Trưởng phòng TN&MT TP Phan Thiết) 3 năm 6 tháng tù giam, phạt bổ sung 40 triệu đồng; Lê Hồ Khải (SN 1985, nhân viên Phòng TN&MT TP Phan Thiết) 3 năm tù giam, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Lê Hoàng Anh Tân (SN 1974, chuyên viên Phòng TN&MT TP Phan Thiết) 2 năm 6 tháng tù giam, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Nguyễn Trí (SN 1956, chuyên viên Phòng TN&MT TP Phan Thiết) 9 tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng.
Ngoài ra, các bị cáo còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý hoặc làm công việc về lĩnh vực đất đai 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Thuận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn TP Phan Thiết, từ tháng 2/2016 - 12/2018, nhóm 4 bị cáo của Phòng TN&MT TP Phan Thiết, gồm: Thái, Tân, Trí, Khải đã lập hồ sơ, tham mưu cho phép chuyển mục đích đất trái pháp luật.
Các bị cáo Điệp và Khôi là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích trái với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, cố tình cho chuyển mục đích trái pháp luật 132 thửa đất, với tổng diện tích hơn 170.000m2, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết.
Cụ thể, bị cáo Điệp là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích hơn 46.000m2 đất nhưng lại không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 32 thửa đất trên trị giá 4,7 tỷ đồng. Bị cáo Khôi là người ký 100 quyết định cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trái pháp luật, với tổng diện tích hơn 124.000m2. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 100 thửa đất nông nghiệp mà bị cáo này ký trị giá hơn 8,6 tỷ đồng.
Trong 100 hồ sơ mà bị cáo Khôi ký, có 2 hồ sơ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất , điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất . Đồng thời, có 76 hồ sơ có văn bản của Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết xác định các thửa đất này không thuộc quy hoạch đất ở nông thôn, nhưng bị cáo Khôi không yêu cầu Phòng TN&MT TP Phan Thiết kiểm tra, đối chiếu, rà soát làm rõ căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất , mà vẫn ký quyết định cho phép chuyển mục đích sang đất ở nông thôn trái pháp luật. Bị cáo Khôi ký các quyết định trên là cố ý bởi biết rất rõ các căn cứ, trình tự, thủ tục.
Trong khi đó, bị cáo Thái đã không thực hiện đúng các quy định về pháp luật đất đai như: 32 hồ sơ chuyển cho bị cáo Điệp ký đều không có văn bản thẩm định, 97/100 hồ sơ chuyển cho bị cáo Khôi ký có 76 hồ sơ được Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết thông báo vị trí thửa đất đối chiếu với quy hoạch chưa đúng. 129 hồ sơ mà bị cáo Thái ký tờ trình đề nghị bị cáo Điệp và bị cáo Khôi cho phép chuyển mục đích trái pháp luật có diện tích 169.000m2, theo định giá là hơn 13 tỷ đồng.
“Đối với hành vi của các cá nhân khác liên quan trong quá trình xác nhận hiện trạng, vị trí thửa đất; tính tiền sử dụng đất , tách thửa sai quy định pháp luật; hành vi nhận tiền và tài sản của Lê Hoàng Anh Tân (10 triệu đồng và 1 máy lạnh) trong quá trình thực hiện công vụ, Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý sau”, cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Thuận nêu.