Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây đã để lại một khoảng lặng nặng nề. Sau một nửa thập kỷ, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cần phải “làm mới mình”, nếu không muốn các cơ hội từ hội nhập bị bỏ lỡ.
Lao động nông thôn ra thành phố tìm việc |
Chất lượng tăng trưởng giảm sút
Bên cạnh các thành tựu đạt được, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn chỉ ra rất nhiều khiếm khuyết trên nhiều mặt sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO. Theo đó, tăng trưởng GDP trong 5 năm 2007-2011 chỉ đạt 6,5%, không đạt so với mục tiêu đặt ra, thậm chí thấp hơn mức tăng trưởng 5 năm 2002-2006 (7,8%) và giai đoạn khủng hoảng tài chính Đông Á 1996-2000 (7,6%).
Năm năm kể từ khi gia nhập WTO, cơ cấu GDP chuyển dịch không rõ nét và không theo xu hướng từ khu vực nông lâm thủy sản sang khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ như đã đặt ra trong Kế hoạch 2006-2010. Đến năm 2011, tỷ trọng khu vực NLT tăng 1,7 điểm phần trăm so với năm 2007, trong khi đó, hai khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều giảm xuống tương ứng là 1,2 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không như mong muốn chủ yếu là do hai ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.
Một trong những thước đo về chất lượng tăng trưởng kinh tế là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). “Kết quả hoạt động của nền kinh tế 5 năm sau gia nhập WTO không chỉ kém 5 năm trước gia nhập về tăng trưởng mà chất lượng tăng trưởng cũng giảm sút” – báo cáo cho biết. Khác với giai đoạn trước, khi TFP là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tăng trưởng kinht ế, từ 2007 đến nay, yếu tố này là vốn.
Một số chỉ tiêu khác liên quan đến hiệu quả tăng trưởng kinh tế như tỷ lệ vốn tăng thêm trên sản lượng đầu ra (ICOR), tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP cũng cho thấy xu hướng nói trên. Đặc biệt, năng suất lao động ở Việt Nam tăng chậm, và trong 5 năm sau gia nhập WTO lại tăng thấp hơn nhiều so với 5 năm trước gia nhập WTO (3,4% so với 5% hàng năm).
Cán cân thanh toán diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, “tác động rõ nhất của hội nhập kinh tế quốc tế trong các năm 2007 – 2011 sới với 5 năm trước gia nhập WTO là gia tăng mức độ thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai và chu chuyển vốn trong các năm với mức độ khác nhau”.
Theo đó, trong 5 sau gia nhập WTO cán cân vãng lai thâm hụt với quy mô lớn, tăng từ 164 triệu USD (hay 0,3% GDP) năm 2006 lên 10,8 tỷ USD (11,9% GDP) năm 2008, sau đó giảm mạnh trong giai đoạn 2009-2010 và đảo chiều đạt thặng dư vào năm 2011 (236 triệu USD) chủ yếu do những khó khăn kinh tế trong nước và một phần do các biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát nhập khẩu và nhập siêu. Đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Việt Nam với một số nước Đông Á có hiệp định thương mại tự do với ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc đã ở mức khá lớn và có xu hướng tiếp tục tăng.
Giai đoạn 2009-2011, thu từ xuất nhập khẩu đã chậm lại; nguyên nhân một phần do tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu và do các biện pháp kỹ thuật nhằm kiềm chế nhập khẩu hàng xa xỉ. Trong đó, nguồn thu ngân sách từ dầu thô chiếm tỷ lệ đáng kể, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước liên tục giảm trong 3 năm 2007-2009, chủ yếu do giá dầu thô và thu từ dầu thô giảm. Trong khi đó, áp lực tăng chi, gồm chi thường xuyên và chi đầu tư vẫn rất lớn, năm 2009 thâm hụt ngân sách lên mức 6,9%, đến năm 2011 là 4,9%.
Thất nghiệp và thiếu việc làm
Điều đáng quan ngại khác là thất nghiệp có xu hướng tăng nhanh hơn sau khi gia nhập WTO, với tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,4% lên 2,7% trong thời gian từ 2007 đến nay so với mức tăng từ 2,1% lên 2,3% trong giai đoạn 2002-2006. Năm 2011, ước tính cả nước có 1,393 triệu người thất nghiệp, tăng hơn 362 nghìn người so với cuối năm 2006. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị mặc dù đã giảm, từ 5,1% xuống còn khoảng 4,1% so với năm 2011, song vẫn cao hơn ở nông thôn.
Bên cạnh đó là thường trực mối lo thiếu việc làm. Năm 2011 cả nước có 3,1 triệu lao động đang làm việc dưới 35 giờ/tuần, chiếm 6,1% tổng số lao động có việc làm. Các nhóm có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất là người làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 69,8% tổng số lao động thiếu việc làm) và nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương, thuộc nhóm việc làm không bền vững với thu nhập thấp, không ổn định và điều kiện lao động không đảm bảo (71,8%).
Mai Hoa