Hôm 26/4, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái nhận xét trong 4 tháng đầu năm 2023, công tác an toàn, vệ sinh lao động còn bộc lộ nhiều thiếu sót như việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản đã có 3 vụ tai nạn lao động xảy ra ở mỏ đá xã Liễu Đô, mỏ đá núi Chuông xã Tân Lĩnh và mỏ đá tại thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên làm 3 người chết.
Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, còn tình trạng vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Để phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và sức khỏe cho người lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thường xảy ra tai nạn như khai thác khoáng sản, xây dựng, chế biến và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thông báo công khai các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, xem xét kiến nghị khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.
Sở Y Tế chỉ đạo tổ chức hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức thực hiện các chương trình hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động. Xây dựng và thực hiện đầy đủ nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn của thiết bị và nơi làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, kiểm định và khai báo sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, định kỳ hàng năm tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải lập kế hoạch, triển khai, tổng hợp kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc, phải tổ chức tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động toàn diện ít nhất 6 tháng 1 lần.
Được biết, hôm 16/4 một vụ tai nạn lao động xảy ra tại mỏ đá núi Chuông của Công ty TNHH khai thác đá Hoàng Dương (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) khiến một công nhân tử vong. Trước đó, ngày 9/3, anh Nguyễn Văn N. là công nhân Công ty CP khoáng sản thương mại Đại Phát - đơn vị khai thác tại mỏ đá Tường Phú đang khoan cắt đá đã bị đá vỡ rơi trúng người và tử vong sau đó. Tới hôm 3/4, tại mỏ đá của Công ty TNHH đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên), công nhân Hoàng Văn C. khi đang làm việc tại khai trường mỏ bị đá trượt văng vào đầu dẫn đến tử vong.