Sau khi PLVN đăng tải những bài viết về những nỗ lực của chính quyền địa phương khi nhanh chóng di dời, tổ chức tái định cư cho dân vùng lũ sau trận lũ quét, lũ ống lịch sử cuối tháng 6 vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, một số người dân vùng sạt lở đất đã phản hồi hơn 10 năm nay họ vẫn mòn mỏi chờ đợi những dự án tái định cư trong những căn nhà tạm, thiếu điện, nước, giao thông khó khăn.
Năm 2009, Dự án định canh định cư tập trung tại bản Piêng Luống, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được khởi công với tổng nguồn vốn đầu tư gần 18,7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đưa 50 hộ dân với 217 nhân khẩu, của 5 bản: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon và Na Án nằm trong vùng nguy cơ sạt lở của sông Dinh đến ở. Tuy nhiên, đã gần 10 năm triển khai xây dựng, đến nay, dự án vẫn dở dang. Người dân nơi đây vẫn tiếp tục phải sống trong thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Gần 10 năm triển khai, khu tái định cư Piêng Luống mới thực hiện được các hạng mục như san nền, làm đường giao thông vào khu tái định cư, xây dựng hệ thống nước tự chảy, làm đường điện và trạm biến áp 100 KVA, đường giao thông nội vùng…, trong đó một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Dân kiến nghị, chính quyền xã chỉ biết tiếp thu và đề xuất lên huyện để có phương án giải quyết. Đặc biệt, trong nhiều lần tiếp xúc Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, người dân và chính quyền xã liên tục có ý kiến và trình bày nguyện vọng nhưng chỉ nhận được câu trả lời là tiếp thu ý kiến và nghiên cứu để sớm có giải pháp…
Theo kế hoạch, khu tái định cư Piêng Luống được triển khai xây dựng từ năm 2009-2011. Do gặp khó khăn về nguồn vốn nên đến nay, mới giải ngân được hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng còn lại theo dự toán chưa được đầu tư là để xây dựng trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ dân làm nhà, công trình điện, nước sinh hoạt…
Tháng 9/2009, trận lũ quét kinh hoàng trên dòng sông Tèn, dọc 2 xã Châu Tiến, Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An ập về, ngập đến nóc nhà khiến nhà cửa, tài sản, vật nuôi của 73 hộ dân ở 3 bản Pật, Duộc và Quắn thuộc 2 xã Châu Tiến và Liên Hợp bị cuốn phăng hết. Trước thực trạng cuộc sống của người dân bị đe dọa, ngày 29/3/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 966/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại 2 xã Châu Tiến và Liên Hợp, với tổng số vốn 36,134 tỉ đồng. Theo phê duyệt, giai đoạn 1 của Dự án được triển khai từ năm 2012 - 2014, với kinh phí 17,411 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 12,188 tỉ đồng, địa phương 5,223 tỉ đồng. Dự án do Ban phát triển nông thôn miền núi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An làm chủ đầu tư.
Sau 7 năm triển khai giai đoạn 1, đến nay, nơi đây vẫn chỉ là một bãi đất trống ngổn ngang, không điện, không nước, đường giao thông đã bị sạt lở. Người dân vẫn phải sinh sống trong những căn nhà tạm. Được biết, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thiện, nghiệm thu, giải ngân được 14 tỉ đồng, số tiền còn lại là 3,411 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hạng mục công trình này mới thực hiện là san lấp mặt bằng 2 khu tái định cư và làm nền đường hạ tầng cơ sở. Vừa qua, sau khi huyện có tờ trình, UBND tỉnh đã có chủ trương tiếp tục thi công giai đoạn 2 của dự án nhưng kinh phí chỉ có 15 tỉ đồng.
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai thuộc 2 xã Châu Tiến và Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp chỉ là 1 trong 15 dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay đang bị ách tắc do thiếu vốn. Cụ thể, ngoài dự án sông Tèn, hiện còn các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tại các xã: Hưng Hòa (TP Vinh), xã Hưng Lam (Hưng Nguyên); Yên Tĩnh, Yên Hòa và Lượng Minh (Tương Dương); Quang Phong (Quế Phong); Châu Hội (Quỳ Châu); Bình Chuẩn, Lạng Khê (Con Cuông); các xã ven sông, biển của huyện Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai; các xã dọc biên giới Việt - Lào của huyện Quế Phong, dân cư sinh sống dọc biên giới Việt - Lào của xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) và dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hưng Nguyên. Tổng vốn dành cho các dự án này là hơn 290 tỉ đồng, tất cả đều đang dở dang vì chưa có vốn.
Trong các đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn gây ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản. Đợt mưa đầu tháng 8 /2017 gây lũ quét và sạt lở đất ở Yên Bái, theo đánh giá ở khu vực suối Nậm Păm, huyện Mường La có khoảng 1 triệu m3 đất đá dịch chuyển và sạt lở. Để dịch chuyển số đất đá đó cần khoảng 5 triệu m3 nước. Số nước này không thể được tạo ra từ mấy ngày mưa mà phải được tích tụ cả tháng trước đó rồi.
Trận lũ lịch sử tháng 8/2017 đã khiến cho gần 600 hộ dân của huyện Mường La, Sơn La ở vùng lũ bị ảnh hưởng, 419 nhà ở 8 bản phải di chuyển khẩn cấp. Trong đó, 179 hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Các đơn vị thi công đã tiến hành dựng nhà theo hình thức lắp ghép, một trong những phương án tối ưu trong tình huống khẩn cấp hiện nay tại vùng lũ cho người dân. Sau nhà tạm, bao giờ người dân mới có nhà kiên cố là câu hỏi chưa có câu trả lời. Hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra trong việc tái định cư với người dân vùng lũ. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán. Đây là những thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương trong việc tái định cư ổn định đối với người dân vùng lũ, tạo sinh kế lâu dài cho bà con.