Sắp xét xử đường dây tổ chức đánh bạc hơn ngàn tỷ trên mạng: Thủ đoạn “chuyển hóa” tiền ảo thành tiền thật

 Đối tượng Thành khi bị bắt giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)
Đối tượng Thành khi bị bắt giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến ngày 4/4/2024, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên xử Nguyễn Minh Thành (35 tuổi) và 10 “đàn em”, tuổi 27 - 35, về tội “Tổ chức đánh bạc”, theo khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, còn có 42 bị can bị truy tố tội “Đánh bạc”, theo khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng xác định, từ 2017, Thành bắt đầu tìm hiểu thông tin phục vụ cho ý tưởng xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến. Cuối 2019, Thành mua trên mạng một mã nguồn game bài đổi thưởng, bàn với 4 bị can Vũ Tiến Duy, Bùi Nhật Anh, Trần Đức Cường, Phạm Trung Thành cùng viết code phần mềm game bài, đặt tên SOCVIP.

Game bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2020. Duy và Nhật Anh phụ trách kỹ thuật, theo dõi vận hành, sửa lỗi, nâng cấp phần mềm game. Cường và Trung Thành quản lý giao diện và phần mềm game bài trên các nền tảng di động iOS và Android và website. Thành thuê thêm Nguyễn Trường Sơn quảng cáo trên mạng xã hội để thu hút người đánh bạc. Nguyễn Tuấn Nghĩa quản lý các đại lý thanh toán của game bài.

Ngoài nhóm của Thành, trong 42 bị can đang đối mặt tội “Đánh bạc”, người nạp và chi nhiều nhiều nhất là bị can Bùi Thị Quang (51 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang) khi đăng ký tài khoản trong 82 ngày, đánh bạc 172 lần, tổng số tiền ảo lên tới 135 tỷ VUA, tương đương 112 tỷ đồng. Trong 172 lần này có 23 lần Quang đánh trên 1 tỷ đồng.

Đỉnh điểm, trong 3 tiếng liên tục 1 - 4h sáng 9/6/2021, Quang chơi 644 kèo, với tổng số tiền đánh bạc 31 tỷ VUA, quy ra tiền thật gần 26 tỷ đồng.

SOCVIP hoạt động đến tháng 2/2021, Thành đổi tên thành SUMVIP, đồng thời mở thêm một game bài mới đặt tên là VUACLUB. Cả hai game chung cách hoạt động và gồm nhiều trò chơi khác nhau như tài xỉu, mini jackpot, chim điên, candy...

Người chơi phải mua tiền ảo dùng đặt cược vào các cửa tài hoặc xỉu. Tiền ảo quy ước trong game gọi là SUM và VUA. Người chơi có 3 hình thức nạp tiền để mua tiền ảo là nạp bằng thẻ cào điện thoại, chuyển tiền qua ví điện tử để mua SUM, VUA trực tiếp từ game.

Tiền nạp vào game qua thẻ cào viễn thông và ví điện tử sẽ được Thành giao cho Trần Hồng Sâm “chuyển hóa” bằng cách nạp tiền vào các sim 0 đồng, bán ra thị trường. Thành giao Dương Vũ Hoàng tạo các mã rút tiền từ các ví điện tử để rút tiền mặt tại cây ATM.

Hình thức nạp tiền thứ ba là chuyển khoản ngân hàng qua hệ thống đại lý trung gian mà Nghĩa quản lý. Người chơi nạp tiền với tỷ lệ 100.000 đồng được 100.000 tiền ảo. Người chơi muốn rút tiền mặt thì phải thông qua các đại lý của game để đổi tiền ảo ra tiền mặt với tỷ lệ 100.000 tiền ảo chỉ đổi được 83.000 đồng, tức đại lý lãi 17%.

Thành chỉ đạo đồng phạm xây dựng hệ thống thu phí khi người chơi tham gia bằng cách: Mỗi lượt người chơi tham gia các trò chơi, game bài sẽ tự động thu phí 1% trên tổng số tiền đặt cược. Người thắng sẽ bị thu phí thêm 1% khi kết thúc lượt chơi. Nhóm Thành lập 160 đại lý cấp 1 và cấp 2 của 2 game bài phụ trách việc mua, bán đổi thưởng.

Với thủ đoạn trên, chỉ 4 tháng giữa năm 2021, hơn 6.600 tài khoản được các con bạc lập nên để chơi 2 game SUMVIP và VUACLUB, lợi nhuận mỗi tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo lời khai của Thành, tháng 6 - 8/2021, khi Covid-19 bùng phát mạnh, doanh thu tăng đột biến, có tháng lên tới 200 tỷ đồng.

Tổng số tiền các “con bạc” nạp qua các kênh nêu trên, lên tới hơn 1.184 tỷ đồng, nhiều nhất là qua ví điện tử (500 tỷ), đại lý trung gian (465 tỷ), thẻ cào điện thoại (200 tỷ)...

Tiền hưởng lợi được nhóm Thành thu qua hai kênh. Kênh thứ nhất, tiền nạp vào game từ thẻ điện thoại, được xác định hơn 200 tỷ đồng, được Thành giao Trường nạp các thẻ này vào sim 0 đồng rồi giao cho Đức Anh bán ra thị trường thu về được 70% so với tổng số mệnh giá thẻ, tương đương hơn 140 tỷ đồng.

Tổng số tiền rút qua cây ATM là 26,5 tỷ đồng. Như vậy, tiền hưởng lợi được xác định 167 tỷ đồng.

Tại CQĐT, Thành khai chia cho “đàn em” hơn 70 tỷ đồng. Trong số này, nhóm chạy quảng cáo và nhóm nạp tiền vào thẻ sim để bán cho khách, được trả khoảng 25 triệu đồng/tháng. Nhóm viết phần mềm cho Thành như Duy, Cường và Nhật Anh có thể lên tới 300 triệu đồng/tháng.

Ban đầu, Thành khai hưởng lợi riêng 96,4 tỷ đồng, sau chỉ thừa nhận 40 tỷ đồng. Ba “đàn em” Duy, Cường và Nhật Anh nhận 18 tỷ, 12 tỷ và 6 tỷ.

Ngày 18/8/2021, khi hai “đàn em” Nguyễn Văn Thành và Hoàng Văn Trọng bị công an bắt khi vừa rút 800 triệu đồng từ cây ATM, Thành chỉ đạo Duy và Nhật Anh xóa toàn bộ dữ liệu hệ thống của game, tiêu hủy cất giấu hệ thống máy tính và thiết bị liên quan.

Thành chỉ đạo Sâm, Nam và Trường tiêu hủy toàn bộ số SIM thẻ và thiết bị máy tính liên quan việc tổ chức đánh bạc. Sâm trực tiếp đến nơi làm việc của Trường lấy toàn bộ SIM thẻ và một phần thiết bị máy móc mang đi.

Nam liên hệ với một người bạn, nhờ mang một valy, túi nylon và thùng giấy, balô chứa tang vật máy móc liên quan đem vứt xuống khu vực cầu vượt sông Đáy. Quá trình điều tra, công an thu được những tang vật này.

Tháng 4/2021, Nguyễn Minh Thành nổi tiếng trên mạng xã hội sau màn tặng siêu xe Porsche Panamera trị giá 7 tỷ đồng cho bạn gái. Bốn tháng sau, Thành bị bắt.

Chiếc Porsche Panamera, chiếc Range Rover và chiếc Mercedes-AMG G63 là 3 trong 13 xe hơi của Thành và đồng phạm, theo lời khai, được mua bằng hơn 167 tỷ đồng thu lợi từ điều hành game bài. Các xe này hiện là tang vật vụ án.

Thời điểm khám xét, tháng 10/2021, cảnh sát còn thu gần 10 tỷ đồng tiền mặt, 20.000 USD, phong toả khoảng 10 tỷ đồng ở các tài khoản ngân hàng, kê biên 6 căn hộ... Riêng Thành sở hữu 5 xe sang trị giá khoảng 50 tỷ và 3 căn hộ cao cấp ở Hà Nội.

Đọc thêm

Kẻ sát nhân từ mối hận thù 2 năm

Bị cáo Lâm Hoàng Thưởng lãnh án 25 năm tù về tội giết người và cướp tài sản.
(PLVN) - Ngày 23/7, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Lâm Hoàng Thưởng (SN 2002, ngụ xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) 25 năm tù về 2 tội Giết người và Cướp tài sản. Nạn nhân trong vụ án này là Lâm Quốc Bảo (SN 2007).

Cáo trạng vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Chồng của Trương Mỹ Lan 5 năm “quẹt thẻ” 225,5 tỷ đồng

Chu Lập Cơ tại phiên sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án. (Ảnh: Hồng Mây)
(PLVN) - Như PLVN đã đưa tin, VKSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Cty Vạn Thịnh Phát - VTP) và 33 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Trong số này có Chu Lập Cơ (quốc tịch Trung Quốc, chồng bà Lan) bị truy tố về tội “Rửa tiền”; em dâu, cháu gái và em họ bà Lan là Ngô Thanh Nhã, Trương Huệ Vân, Trương Vincent Kinh bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nữ "đại ca" và đồng bọn lĩnh án

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Chi tại tòa.
(PLVN) - Ngày 19/7, tại Nhà hát Trưng Vương, Tòa án nhân dân quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã mở phiên tòa lưu động, xét xử 16 bị cáo liên quan đến vụ án Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích.

Vụ án khai giá bán đất thấp hơn thực tế tại Bình Dương: Trốn lệ phí trước bạ có phải là "trốn thuế"

Vụ án khai giá bán đất thấp hơn thực tế tại Bình Dương: Trốn lệ phí trước bạ có phải là "trốn thuế"
(PLVN) - Dự kiến, ngày 23/7 tới đây, TAND huyện Phú Giáo sẽ mở phiên sơ thẩm vụ “Trốn thuế” vì kê khai giá chuyển nhượng đất thấp hơn giá thực tế. Bị cáo trong vụ án là bà Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967, ngụ ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa) và 2 người khác. Vụ án có những tình tiết pháp lý thú vị gây tranh luận như trốn lệ phí trước bạ có phải là “trốn thuế”? Con trai ký giấy bán đất cho mẹ cũng bị đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), là có phù hợp?

Cướp 1 túi mực, nhóm thanh niên lĩnh án

Cướp 1 túi mực, nhóm thanh niên lĩnh án
(PLVN) - Ngày 18/7, tại trụ sở UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xét xử lưu động vụ án cướp tài sản trên biển Cà Mau xảy ra tháng 12/2023.