Huyền quan là khoảng không ngăn cách từ cửa vào phòng chính, khoảng không này được tạo ra bằng cách lắp tấm vách chắn sau cửa, trong quan niệm Phật giáo, huyền môn (quan) là cửa nhập đạo. Huyền quan là nơi chuyển giao từ cửa vào phòng chính, từ trạng thái vận động chuyển sang trạng thái tĩnh.
Tác dụng của huyền quan trong phong thủy là để ngăn chặn sát khí xâm nhập vào như sát khí góc nhọn, sát khí xuyên tâm, cửa nhà đối diện với đường, ngõ thành một đường thẳng, cửa đối diện với cửa, cửa nhà, cửa phòng hoặc cửa ra ban công tạo thành một đường thẳng, gây nhiễu nhanh chóng.
Có thể làm huyền quan bằng nhiều vật liệu khác nhau, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc thông thoáng, trung tính, sáng sủa và sạch sẽ. Trần phải cao không nên thấp, màu sắc nhạt không nên đậm, đèn chiếu hình tròn không nên có góc cạnh, tấm vách ngăn bên dưới đặc, bên trên thoáng để thông khí, màu sắc trung tính bên trên nhạt, bên dưới đậm, bề mặt trơn nhẵn không gồ gề.
Phòng khách là nơi giao tiếp tụ hội của các mối quan hệ nên việc phối hợp màu sắc rất được coi trọng, hướng và vị trí đồ vật, tranh treo phù hợp, lắp đặt đèn, trải thảm, tủ bày trí đồ đạc phải thanh nhã. Phòng khách không nên có góc nhọn, trụ nhà, nếu phòng khách có góc nhọn nên dùng tủ gỗ lấp đầy góc ấy, tủ cao thấp đều được.
Hoặc đặt cây cảnh to hoặc bể cá, làm giá để chậu hoa nhỏ hình vòng cung có đèn chiếu sáng. Nếu phòng khách có trụ tường thì dùng tủ sách, tủ rượu…để che đi. Nếu là trụ riêng biệt ở gần tường thì làm tấm vách nối thông với tường hoặc đặt tủ thấp, treo tranh, hoa đều được, nếu trụ cách xa tường thì có thể lấy trụ làm danh giới một bên trải thảm một bên bằng chất liệu khác hoặc sàn nhà một bên cao một bên thấp, hoặc xung quanh làm máng đặt hoa, đèn chiếu lên quanh trụ.
Cầu thang nên giáp với tường, không nên ở giữa nhà, dưới cầu thang có thể đặt thực vật, tủ đựng đồ, cầu thang nên dùng chất liệu gỗ, hạn chế vật liệu bằng đá và sắt thép.
Phòng bếp không nên quay ra hướng nam, hướng nam thuộc hành hỏa, bếp thuộc hành hỏa nên hỏa hỏa cộng hưởng không tốt. Nhà bếp quay ra hướng nam thực phẩm cũng nhanh ôi thiu hơn, hướng đông và đông nam thuộc hành mộc là tốt nhất.
Bếp không nên quay ra cửa, bởi theo cổ nhân “mở cửa thấy bếp, hao tổn tiền tài”. Bếp không được đối diện phòng ngủ, dầu mỡ bay vào phòng không có lợi cho sức khỏe, dễ khiến gia chủ tính tình nóng nảy.
Bếp không nên đối diện nhà vệ sinh, không đảm bảo vệ sinh, thủy hỏa tương khắc. Bếp và nhà vệ sinh không được dùng chung một cửa, nền nhà bếp không được cao hơn nền các phòng. Đường đi, lan can cũng không được đối diện với bếp. Lửa của bếp không được đối diện với tủ lạnh, bồn rửa. Nếu có không gian nên đặt thực vật để điều tiết, treo tranh thực phẩm hoa quả; chú ý không khí lưu thông sạch sẽ vệ sinh.
Bếp cũng như nhà vệ sinh là nơi dùng nhiều đến nước, theo phong thủy là nơi không được tốt lành mà nó thuộc vị trí vừa lành vừa dữ, thường xuyên ảnh hưởng đến thịnh suy tài vận gia đình. Trong quá trình nấu nướng, vệ sinh thực phẩm thường làm mất đi lượng nước lớn, theo phong thủy thì nước đại diện cho tài phúc nên không có lợi cho tích tụ tài vận. Nhưng bếp và nhà tắm cũng lại có chức năng áp chế cái hung, nên nếu đặt phòng bếp ở vị trí không quan trọng, vị trí hung quay ra tốt với chủ nhân thì lại có lợi cho gia chủ.
Bếp của gia đình trên góc độ phong thủy thì tốt nhất nên tách biệt, chủ yếu để tránh dầu mỡ khói bếp xông vào các phòng khác, gây ảnh hưởng đến “khí”, tức môi trường của cả ngôi nhà khiến sức khỏe người trong gia đình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phòng bếp thuộc hành âm, phòng khách thuộc hành dương, phòng bếp và phòng khách nên tách biệt nếu không nam nữ chủ nhân dễ có xích mích.
Về vị trí của bếp, theo phong thủy thì nên đặt bếp ở 4 hướng xung với bản mệnh của chủ nhân, có tác dụng áp chế khí hung, dương khí thoát ra từ ngọn lửa có thể điều hòa những cái được cho là không tốt với gia chủ. Để cải thiện phong thủy thì phần bếp cũng phải nằm ở nửa sau của ngôi nhà, cố gắng xa cửa lớn. Về sinh khắc ngũ hành, bồn nước thường sản sinh ra hơi nước, nó xung khắc với khí từ ngọn lửa của bếp ga, lò gây ra.
Vì vậy, bếp ga không nên đặt đối diện với bồn nước hoặc tủ lạnh, không được để cạnh quá gần với bồn rửa. Bếp ga cũng không đặt ở giữa bếp vì hỏa khí ở vị trí trung tâm quá mạnh sẽ gây mất cân bằng, thủy hỏa tương xung. Bày các dụng cụ bếp nên chú ý thuận theo ngũ hành tương sinh thuận theo chiều kim đồng hồ: Kim (nồi niêu) sinh thủy (bồn nước) sinh mộc (ống đũa) sinh hỏa (bếp lò) sinh thổ (bàn ăn).
Cân bằng âm dương, bếp là nơi nước lửa tương xung như trên đã nói, nhưng nếu có thể cân bằng được âm dương thì có thể khiến nó có thể tương trợ nhau. Bếp là nơi có thuộc tính âm trong nhà do nơi đó không được thường xuyên sử dụng, nhưng nếu có thể sắp xếp một góc của bếp làm nơi đặt bàn ăn cơm thì có thể khiến âm dương cân bằng hơn.
(Kỳ cuối: Một số lưu ý khi bài trí gương trong nhà)