Sắp ứng dụng xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở ở Việt Nam

Đại diện tập đoàn Vingroup trao tặng tượng trưng 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và 2 triệu mẫu test. (ảnh: N.Nhiên)
Đại diện tập đoàn Vingroup trao tặng tượng trưng 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và 2 triệu mẫu test. (ảnh: N.Nhiên)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 4/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tiếp nhận quà tặng của Tập đoàn Vingroup gồm 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test, với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công với với Công ty Breathonix (Singapore), nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới – để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021.

Phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường.

Theo các nhà phát triển, máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện COVID-19, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Thiết bị xét nghiệm này đã được Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cấp phép.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những sự hỗ trợ đồng hành của Tập đoàn Vingroup cho hoạt động phòng chống dịch của ngành y tế trong suốt hơn 1,5 năm qua để cùng ứng phó với đại dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung.

“Ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên, khi biết ngành y tế gặp khó khăn về test xét nghiệm, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ và tiến hành hỗ trợ ngay test để phục vụ nhu cầu xét nghiệm nhanh phòng chống dịch ở các địa phương, góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm của các địa phương. Ở đợt dịch này, công suất và năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã là trên 2,8 triệu mẫu, bằng tổng số mẫu của 3 đợt dịch trước cộng lại” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và cho biết trong điều kiện nắng nóng hiện nay, cán bộ nhân viên y tế đã rất vất vả khi lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên toàn ngành đã nỗ lực, vượt khó để nâng cao năng lực, công suất xét nghiệm, góp phần nhanh chóng khống chế, dập dịch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khi biết tin Singapore đã cấp phép cho thiết bị xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ để mua thiết bị này và trao đổi để giúp ngành y tế nâng cao năng lực xét nghiệm, giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên lấy mẫu.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, thiết bị xét nghiệm này là công nghệ hoàn toàn mới, ứng dụng công nghệ AI để đảm bảo công suất xét nghiệm nhanh hơn, từ đó góp phần giảm gánh nặng trong lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên y tế, giúp các cơ sở y tế, những nơi cần thực hiện tầm soát trên quy mô lớn triển khai xét nghiệm nhanh hơn.

“Cảm ơn Tập đoàn Vingroup đã dành kinh phí lớn để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Nếu hệ thống này đáp ứng được nhu cầu chống dịch, chúng tôi sẽ trao đổi với Tập đoàn để mở rộng việc đưa thiết bị xét nghiệm này về Việt Nam. Tôi được biết Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài về tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 để chúng ta dần tiến đến tự chủ về vắc xin. Chúng tôi đánh giá rất cao việc này của Tập đoàn”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Thiếu Hoa - Tổng Giám đốc Vinhomes, đại diện Tập đoàn Vingroup - bày tỏ lời cảm ơn, trân trọng sự đóng góp, hy sinh của ngành Y tế trong công cuộc chiến phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua và cho biết Tập đoàn luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng chống dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch tại Việt Nam, đến nay, Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng, như: Tài trợ 4 triệu liều vắc xin, trị giá gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế (400 giường bệnh viện dã chiến, 100 máy thở VFS 410, 19.000 test nhanh COVID-19, 3 xe cấp cứu hiện đại, 1 máy chụp X-quang di động) với giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 “Made in Vietnam” COVIVAC cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất, tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, sản xuất và trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn...

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.