Vào lúc 11 giờ ngày 12/8 vừa qua, khi đang đổ bê tông thì phần mái của Hội trường UBND xã Đội Bình (Ứng Hoà, Hà Nội) bị sập hoàn toàn khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Vậy nhưng, gần một tuần qua, mọi thông tin liên quan đến dự án và vụ tai nạn này, chính quyền sở tại gần như không biết gì…
Xã làm chủ đầu tư, Chủ tịch xã không biết
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến Dự án xây dựng hội trường UBND xã, ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Đội Bình cho biết: Trước Đại hội Đảng bộ xã, ông làm Bí thư Đảng uỷ, chức Chủ tịch UBND xã ông mới nhận bàn giao được gần một tháng nên không biết tổng vốn của dự án là bao nhiêu, vốn của địa phương bao nhiêu, vốn thành phố cấp là bao nhiêu; doanh nghiệp nào trúng thầu, đơn vị nào tư vấn giám sát…Sau nhiều lần “động viên”, ông Tùng mới “nhớ” ra tổng dự toán công trình là 2,3 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương “hình như” là 500 triệu và công trình được chỉ định thầu.
Cũng với lý do là mới được bàn giao nên phải cố gắng lắm ông Tùng mới nhớ được tên đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Hải Lâm và đơn vị giám sát thi công là Công ty Tây Thăng Long. Ông cũng chỉ biết được họ tên những người chết và bị thương là công dân xã nhà, còn những đối tượng khác giờ này ông cũng chưa nắm được.
Để có được những thông tin cung cấp cho chúng tôi, ông Tùng luôn được Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện là ông Đặng Tiến Thơ “nhắc bài”. Vây nhưng, ngay ông Đặng Tiến Thơ - người được UBND huyện phân công cung cấp thông tin cho báo chí cũng không biết nhiều hơn ông chủ tịch xã ngoài chuyện Hội trường xã Đội Bình là công trình cấp 4, có diện tích sàn là 546m2. Khi đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan đến công trình này, ông Tùng nói toàn bộ tài liệu của dự án đã được các cơ quan chức năng niêm phong…
Toàn bộ sàn mái nhà hội trường xã Đội Bình đổ chưa xong đã bị sập
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trở lại vụ sập mái, ông Tùng cho biết: khoảng 11h ngày 12/8, ông cũng có mặt tại hiện trường để giám sát việc đổ mái; thấy giàn giáo yếu và có hiện tượng xô lệch, ông đã đề nghị với thợ cả là ông Lê Tiến Quân cho kiểm tra lại, nhưng ông Quân bảo không có vấn đề gì và việc đổ mái vẫn tiến hành bình thường…
Còn một số nhân chứng thì miêu tả: Sức nặng của hàng chục tấn bê tông, hàng chục người tham gia đổ mái, cộng với sức rung của 3 máy tời khiến giàn giáo không đủ sức chống đỡ khiến toàn bộ phần mái của toà nhà đổ sập xuống trộn lẫn hơn ba chục người đang tham gia đổ mái; hậu quả là thợ cả Nguyễn Tiến Quân – sinh năm 1962 chết trên đường đi cấp cứu, 7 người khác bị thương, trong đó có hai trường hợp bị thương nặng là ông Trần Văn Hạnh (thôn Triều Khúc) và ông Dư Duy Phú (thôn Ngoại Độ) xã Đội Bình…Ông Tùng may mắn thoát nạn. Toàn bộ công trình trị giá tiền tỉ trong phút chốc trở thành đống sắt vụn…
Tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ giàn giáo, cột chống cho công trình cao khoảng 7m, diện tích sàn hàng trăm m2 chỉ được chống bằng cột luồng và bạch đàn kích thước bằng… bắp tay… Với khối lượng bê tông lên tới hàng chục tấn, vài ba chục người thi công cộng với các thiết bị thi công cộng hưởng thì việc sập mái là điều khó tránh khỏi.
Vụ sập mái Hội trường xã Đội Bình khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm của phía giám sát thi công như thế nào? Bởi theo Chủ tịch Tùng thì hôm xảy ra sự cố không hề có đại diện của giám sát thi công. Đơn vị thi công là Công ty CP Hải Lâm lại để thợ cả Lê Tiến Quân đứng ra chịu trách nhiệm khi đổ mái … Dư luận địa phương băn khoăn tại sao một công trình tiền tỉ, đơn vị trúng thầu là một doanh nghiệp chuyên về xây dựng lại để một ông phó cả đứng ra thi công. Phải chăng công trình đã bị “ bán cái”…
Chiều 16/8 trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Khiêm - Trưởng phòng LĐTB& XH Ứng Hoà cho biết: Theo quy định, tai nạn lao động bị thương từ 2 người trở lên thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý thuộc thẩm quyền của Sở. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước địa phương, ngay khi tai nạn xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường cùng với các ngành chức năng giải quyết hậu quả.
Thanh Nghĩa