Sau gần 8 năm thực hiện, đến nay dự án đạt được khoảng 85% khối lượng công việc, phần còn lại chưa thể kết thúc bởi khiếu nại của một số hộ dân...
Khổ nhà đầu tư, đau đầu chính quyền quận
Được triển khai từ tháng 2/2003 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hoà (Dự án ĐTPTHTKTKĐTM) được UBND TP. Hà Nội giao cho Cty xây dựng dân dụng Hà Nội (Cty dân dụng) làm chủ đầu tư, nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, làm cơ sở cho việc khai thác đất đô thị thông qua thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng xã hội, trụ sở cơ quan... tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy.
Tổ 55 nhìn từ trên cao |
Chủ đầu tư cho biết, hiện Dự án đã đạt được 85% khối lượng công việc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản đã xây dựng xong, hình thành một khu đô thị hiện đại, phù hợp quy hoạch chung của Hà Nội tới năm 2020.
Các hạng mục lớn đã được bàn giao cho các đơn vị xây dựng trường học, chung cư cho đối tượng hưởng lương ngân sách ngành xây dựng thành phố, chung cư cho cán bộ chiến sĩ công an thành phố, chung cư phục vụ giãn dân...
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, Dự án đến nay chưa thể hoàn thành bắt nguồn từ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng ô đất E4 và L3 (được quy hoạch phần lớn để làm đường, vườn hoa, trạm xử lý nước thải ngầm và xây dựng chung cư E4); Vị trí hai ô đất bao trùm diện tích đất của Cty Xây dựng cầu đường Hà Nội (Cty cầu đường) và các hộ dân tổ 55 phường Yên Hoà.
Trong lúc Cty cầu đường và 42 hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng thì vẫn còn 51 hộ chưa đồng ý. Báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, Sở TN&MT cho biết nguồn gốc khu đất trên là do UBND TP cấp cho Cty cầu đường làm trụ sở, xưởng sửa chữa và bãi để xe rộng 15.154 m2.
Từ năm 1978 đến năm 1995, Cty phân 32 gian nhà ở tạm và thêm diện tích sử dụng phía trước, sau cho 32 hộ là cán bộ công nhân viên Cty với tổng diện tích 1.700 m2 (gồm cả đường đi). Quá trình sử dụng, các hộ đã mua đi, bán lại (không có xác nhận của đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng) và lấn thêm diện tích đất xung quanh gồm: đất cơ quan, đất kẹt giữa hai cty và đất mương do HTX nông nghiệp Yên Hoà quản lý…
Sẽ cưỡng chế thu hồi đất
Theo một số thông tin, các hộ dân chưa nhận đền bù để bàn giao mặt bằng cho rằng: Trong quá trình thu hồi đất, UBND quận Cầu Giấy đã vi phạm các quy định và thủ tục về thu hồi đất. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Toan, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy cho biết, quá trình triển khai UBND quận Cầu Giấy và các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng luật định, ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, nên đã có 42/93 hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trong số 2002 m2 mà 51 hộ gia đình (mua đi, bán lại nhiều lần bằng giấy viết tay) chưa nhận bồi thường, chưa bàn giao đất có 25 hộ sử dụng đất của Cty cầu đường; 9 hộ sử dụng đất kẹt; 2 hộ sử dụng đất nông nghiệp; 8 hộ sử dụng phần lớn đất mương; 7 hộ sử dụng đất khuôn viên cơ quan nhưng không có quyết định phân đất.
Về thông tin cho rằng, dự án có yếu tố kinh doanh khi một phần diện tích tái định cư được bán cho các đối tượng tái định cư có nhu cầu mua thêm, nên cần phải điều chỉnh giá đền bù đất phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thu hồi và phải thỏa thuận với dân; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư áp giá đất theo quyết định phê duyệt hàng năm của thành phố là không phù hợp, gây thiệt hại cho dân, bà Toan khẳng định: Yếu tố kinh doanh như người dân nói chỉ là tiểu dự án trong đại dự án có mục đích công cộng, nên không thể áp dụng phương thức thỏa thuận giá với người dân.
Về thời điểm áp giá đền bù, thành phố đã cho phép quận Cầu Giấy lập phương án hỗ trợ khác về đất đối với các hộ đã phê duyệt phương án tối đa bằng 20% đơn giá đất ở tại phương án đã phê duyệt. Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Cầu Giấy đã lập phương án hỗ trợ bổ sung và quận đã phê duyệt…
“Ngoài áp dụng các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ thêm cho các hộ dân. Tuy nhiên, do các hộ dân không đồng ý nên ngày 22/2 sẽ tiến hành cưỡng chế (đợt 1) thu hồi đất đối với 15 hộ gia đình; Sau đó tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ còn lại.
Hội đồng GPMB sẽ tạo điều kiện đến phút chót cho các hộ dân, nếu không đồng ý, những hộ bị cưỡng chế ngoài việc phải chấp hành nghĩa vụ theo luật định, sẽ không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào từ chủ đầu tư”, bà Toan khẳng định.
Đức Anh