Việc phê duyệt điều chỉnh DA là khâu mấu chốt, quyết định việc DA có tiếp tục bị ngừng trệ hay được khai thông. Vì có văn bản này thì ngân hàng mới có cơ sở xem xét việc cấp tín dụng cho DA.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư
Hiện tại, chủ đầu tư và nhà thầu tại DA cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang tỏ ra rệu rã khi đã bỏ ra tổng cộng khoảng 3.000 tỷ đồng cho DA nhưng chưa nhận được khoản hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước (2.186 tỷ) cũng như từ vốn vay tín dụng. Cả chủ đầu tư và nhà thầu đều cho rằng họ đã nỗ lực hết sức, vay mượn từ cả bàn bè, người thân để dồn tiền cho DA nhưng đã sắp tới lúc “giới hạn”. Công nhân tại một số nhà thầu tổ chức đình công, đòi được trả lương, trong khi chủ đầu tư nói đã “cạn kiệt” nguồn vốn.
Trước tình hình đó, ngày 30/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp giữa các bên nhằm tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy nhanh DA. Thủ tướng yêu cầu, cơ bản phải thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.
Để làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc mà chủ đầu tư, nhà thầu đang gặp phải ở DA này, PLVN đã gặp gỡ đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA GROUP) để tìm hiểu rõ nội tình. Vị Phó Chủ tịch DEOCA GROUP cho biết, DA cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bắt đầu được triển khai cách đây 10 năm, nhưng đến tháng 3/2019 mới chỉ thực hiện được khoảng 10% khối lượng.
Sau đó thường trực Chính phủ họp, quyết định một số việc quan trọng đối với DA, trong đó có việc tăng cường quản trị điều hành DA. Tập đoàn Đèo Cả sau đó tham gia DA, sắm vai trò chính là tăng cường quản trị, điều hành DA. Ba tháng sau khi DEOCA GROUP tham gia, khối lượng công việc DA hoàn thành được thêm 10%, tức bằng cả 10 năm trước đó cộng lại.
DA có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỷ đồng, năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỷ đồng. Qua nghiên cứu, nhà đầu tư thấy tổng mức đầu tư điều chỉnh này còn nhiều bất hợp lý nên đã tính toán lại và đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 12.550 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thẩm định, thông qua.
Theo tìm hiểu, quá trình thực hiện DA phát sinh nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến đặc thù kết cấu thổ nhưỡng vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), chưa được tính toán trước đó. Đây là vùng đồng bằng trũng, nền đất yếu nên việc thiết kế, gia cố, xử lý nền đất yếu được tính toán lại. Đây là yếu tố chính phải điều chỉnh DA BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hai vướng mắc về vốn
Tuy nhiên, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang hiện chưa phê duyệt điều chỉnh DA. Đây được cho là lý do chính khiến DA bị ngừng trệ. “Việc phê duyệt DA này rất quan trọng, là cơ sở để đàm phán lại hợp đồng tín dụng với ngân hàng”, đại diện DEOCA GROUP nói và cho biết, Vietinbank là đầu mối vay tín dụng của DA.
Theo tìm hiểu của PLVN, DA cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư chưa nhận được ngồn vốn này, cũng chưa xác định được thời gian sẽ giải ngân. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phương án tài chính của DA, vì vốn này giải ngân càng sớm thì lãi vay của nhà đầu tư càng thấp.
Một khó khăn khác mà nhà đầu tư đang gặp phải liên quan đến nguồn vốn tín dụng. Mặc dù nguồn vốn này đã được phía ngân hàng ký kết hợp đồng với chủ đầu tư nhưng đến thời điểm này chưa được giải ngân đồng nào. Điều kiện vay vốn tín dụng cũng được đánh giá là thắt chặt hơn, ràng buộc phức tạp hơn. “Cộng việc DA tiếp tục được điều chỉnh tổng mức đầu tư và chưa được phê duyệt càng làm cho việc vay vốn tín dụng khó khăn”, đại diện DEOCA GROUP cho biết.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, việc giải phóng mặt bằng DA cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đạt khoảng 99%, sẵn mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện DA. Về việc phê duyệt điều chỉnh DA, ông Bon cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị chức năng của Tiền Giang đang nỗ lực từng ngày để thực hiện phê duyệt. “Đầu tuần tới chúng tôi sẽ xong việc phê duyệt điều chỉnh DA”, ông Bon khẳng định.
Dư luận đang quan tâm việc UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh DA thì tổng mức đầu tư được đề xuất điều chỉnh là 12.550 tỷ đồng sẽ được giữ nguyên hay giảm xuống.
20 triệu người dân miền Tây mong chờ dự án
Phát biểu kết luận tại cuộc họp hôm 30/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế, chính trị của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đối với hơn 20 triệu người dân của 13 tỉnh miền Tây. Thủ tướng cho biết, người dân rất mong chờ tuyến đường này và thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy DA. “Tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.