Vô số người đã sập bẫy những kẻ bất lương, nhưng vẫn và sẽ còn những "con mồi" ngây thơ sập bẫy.
Giờ là thời đại của yahoo messenger, của chat, của online... với vô số tiện ích nhưng cũng chứa đầy ma mị, cám dỗ của thế giới ảo. Các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng không ít trường hợp lừa đảo qua làm quen trên mạng.
Theo một điều tra của các nhà xã hội học: Tại Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới hiện nay đang có tình trạng rất nhiều cặp “vợ chồng lấy nhau trên mạng”!
Điều đáng nói, trong số các cặp vợ chồng đó, đa phần là những người còn rất trẻ: Học sinh trung học, sinh viên... Họ hào hứng với những lo toan của “cuộc sống gia đình” trên mạng, họ vội vàng thu thu vén vén cho cái “tổ ấm” có lẽ còn hạnh phúc hơn cả cuộc sống thật... Một bà mẹ người Bắc Kinh gần như té xỉu khi biết cô con gái đang học năm cuối phổ thông cơ sở đã “đăng ký kết hôn” với một chàng sinh viên quen biết qua mạng.
Một hôm, người mẹ sai cô con gái đi siêu thị mua mấy món đồ cho gia đình, cô ngúng nguẩy: “Con còn ở nhà trông em bé. Chồng con hôm nay vắng nhà!”. Căn vặn, dò hỏi, bà mẹ “tá hoả tam tinh” khi thấy con gái sôi nổi kể về chồng, về con, về cái gọi là “gia đình”của mình trên mạng... - Thế con quen cậu ấy lâu chưa? - Con chưa biết mặt anh ấy. Chúng con chỉ mới gửi ảnh cho nhau. Chát, thấy hợp thì kết hôn thôi!
Đến nước này thì bà mẹ chỉ còn biết kêu trời! Hỏi han thêm các phụ huynh khác, người mẹ cũng gặp được nỗi hốt hoảng tương tự. Tại các quán nét ở Bắc Kinh, bạn đừng ngỡ ngàng khi thấy những cô cậu học trò, mặt búng ra sữa đang chúi đầu vào màn hình.
Họ tấm tắc khen nhau những câu kiểu như: - Chồng cậu khéo tay quá nhỉ? Anh ấy trang hoàng nhà cửa đẹp thật! - Ừ, nhưng “ông xã” cậu có kém gì. Đã đi đón con lại còn biết nấu ăn ngon tuyệt... Đây là lúc các “cô vợ” đang “sinh hoạt gia đình” trên mạng. Còn ở góc khác, ba, bốn cậu đang sôi nổi bình luận về “cô vợ mới” của một thằng bạn. Một cậu khoe: Tớ mới bỏ cô kia rồi, vừa đăng kí kết hôn với một cô mới. Khi được hỏi, hầu hết họ đều thản nhiên: Chỉ là trò chơi thôi mà, có gì ghê gớm đâu?
Theo các nhà tâm lý học: Việc kết hôn ảo trên mạng đối với lứa tuổi học trò đem lại rất nhiều lệch lạc về tâm lý. Không ít em chìm đắm trong làn sóng này, mải mê với những mối tình không có thực, bỏ bê học hành. Điều tệ hại hơn: Tâm sinh lý các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khi chơi “trò chồng vợ” này, không ít các ngôn từ kích dục trong phòng the được tuôn ra. Hậu quả thế nào, chắc ai cũng biết... Một nữ học sinh đã tìm đến cái chết khi bị “chồng” trên mạng bỏ- Còn vô số trường hợp đau lòng khác mà nhiều gia đình vì danh tiếng đã giấu nhẹm!
Giới trẻ đã vậy, còn người lớn thì sao? Nhiều người đã chơi trò này và trở nên “nghiện”. Cứ rảnh rang là họ ôm máy tính tâm sự với “người tình”. Có người vì thất vọng với cuộc sống thật, họ vùi đầu triền miên với niềm vui giả, mong muốn được bù đắp thiệt thòi. Từ giả đến thực, ranh giới thật mong manh! Hẹn hò rồi ngoại tình, phản bội bạn đời lúc nào không hay? Các nhà tâm lý học cảnh báo: Qua hôn nhân ảo, không ít người (thậm chí có trình độ) đã đi quá xa phạm vi một trò chơi, đã phạm vào luật pháp và luân lý đạo đức... Niềm vui mà trò chơi này mang lại chỉ là ảo giác, nó rất ngắn ngủi, không bao giờ là điều tốt cho cuộc sống thật...
Đó là ở một nước phương Đông. Vậy phương Tây thế nào? Cách đây chưa lâu, nước Mỹ đã xôn xao trước sự ra mắt của cuốn sách “Katie.com”. Mạnh mẽ, rõ ràng, chân thực đến nổi da gà... cuốn sách đã thuật lại những đắng cay đầu đời của một nữ sinh trung học Mỹ.
Câu chuyện về một cạm bẫy, một nguy cơ đến từ Internet- Katherine Tarbox- tác giả cuốn sách (giờ đã hơn 18 tuổi) thuật lại hồi ức đau buồn của chính cô khi bị một gã đàn ông 43 tuổi quen biết qua mạng lạm dụng tình dục ở tuổi 13. Là một học sinh giỏi, nhưng cô bé lại quá cô đơn trong chính mái ấm gia đình. Cha mẹ cô bận công việc triền miên, hầu như không để mắt đến con gái.
Qua mạng, gã đàn ông trung niên tự xưng là: “Chàng trai 23 tuổi tên Mark” đã tâm sự với cô suốt 6 tháng trời. Cho đến ngày hai người hẹn nhau tại khách sạn, gã đàn ông lộ nguyên hình là một kẻ bệnh hoạn, chỉ thích lạm dụng trẻ em. Rất may, cảnh sát và gia đình cô bé đến kịp thời. Nhưng vết thương lòng của cô bé có lẽ không bao giờ liền miệng. Sau khi xuất bản cuốn tự truyện, Tarbox trở thành tác giả trẻ nổi tiếng. Sau biến cố đáng buồn của cuộc đời, cô đã dần trở thành một người dẫn đầu trong phong trào chống lạm dụng tình dục trên mạng trên toàn nước Mỹ...
Đến chuyện xứ mình...
Giờ là thời đại của yahoo messenger, của chat, của online... với vô số tiện ích nhưng cũng chứa đầy ma mị, cám dỗ của thế giới ảo. Các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng không ít trường hợp lừa đảo qua làm quen trên mạng. Vô số người đã sập bẫy những kẻ bất lương, nhưng xem ra vẫn còn và sẽ còn những “con mồi” ngây thơ sập bẫy...
G quen chàng qua mục tìm bạn bốn phương. Chàng đáp đủ những tiêu chuẩn mà nàng đưa ra: Công ăn việc làm ổn định, hình thức “ngon lành”, có nhà, có xe hơi... Họ trao đổi thư từ cho nhau. Dĩ nhiên chàng không quên gửi những hình ảnh rất bắt mắt về toà nhà trong mơ của chàng cho G. Tháng trước chàng về Việt Nam gặp nàng và chuẩn bị làm lễ cưới. Đón chàng ở sân bay, G “chết đứng” như Từ Hải!
Không phải là chàng trai to cao vạm vỡ giống trong ảnh mà là một người đàn ông đã ngoài trung niên, tóc muối tiêu. Sau này nhờ người tìm hiểu, G mới ngã ngửa người vì biết “hoàng tử” đang ăn lương thất nghiệp, nhà đi thuê, xe không có... lại đã có vợ kèm hai con gái... Những bức ảnh gửi cho G là chụp hai mươi năm về trước... G chỉ còn biết bỏ của chạy lấy người... Như thế vẫn còn may chán!
Trường hợp chị V.D còn buồn hơn. Làm nhân viên ở một văn phòng, chị khá rỗi rãi. Anh chồng lại hay công tác thường xuyên. Buồn tình, chị lên mạng chát chít... giết thời gian. Làm quen, rồi chị gần như “nghiện” tâm sự, trò chuyện với một người có cái nickname khá ấn tượng: “Người cô đơn”. Ngày nào, không gặp anh ấy là chị bứt dứt, khó chịu không yên. Họ đã hẹn hò và gặp nhau thật. “Người ấy” quả là hơn anh chồng chỉ biết hùng hục làm cả ngày, lại không tâm lý, không chiều vợ hết mình...
Chị đã phản bội chồng, dù lương tâm có ân hận, day dứt. Nhưng “cái kim trong bọc vẫn có ngày lòi ra”. Anh chồng thấy vợ có biểu hiện lạ, đã ngầm theo dõi. Mọi chuyện vỡ lở. Anh ném đồ của chị ra khỏi nhà cùng lá đơn ly dị. Khi chị đi tìm “người kia” thì cũng là lúc anh ta biến mất với lời nhắn “Đi công tác xa”. Mất chồng, bỏ việc vì xấu hổ, cái giá chị phải trả quá đắt!
Như thế không có nghĩa tất cả các mối tình qua mạng đều nhuốm màu... lừa đảo! Vẫn có những mối tình thành duyên thực sự thông qua ”bà mối ảo". Tuy nhiên con số này rất khiêm tốn...