Một trong những thế mạnh của du lịch Việt
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng cho việc phát triển hoạt động du lịch mạo hiểm với địa hình 3/4 đồi núi với nhiều đỉnh núi cao có độ dốc lớn, hệ thống hang động độc đáo, mạng lưới sông suối dày đặc và nhiều bãi biển đẹp.
Nhờ việc khai thác, tận dụng lợi thế tự nhiên mà du lịch mạo hiểm ở nước ta có thể phát triển đa dạng với nhiều loại hình khác nhau như đi bộ (trekking), leo núi (hiking), đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu…
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp du lịch phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức du lịch tiến hành khảo sát thực tế và tăng cường xúc tiến cho việc phát triển hoạt động du lịch mạo hiểm, nhất là tại những tỉnh nổi bật về tiềm năng như: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Bình, Khánh Hòa. Đến nay, các tour du lịch với nhiều hoạt động mang tính chất mạo hiểm đã được đưa vào khai thác và có xu hướng tăng lên do nhu cầu khách du lịch về các hoạt động trải nghiệm thử thách ngày càng tăng.
Những cái tên như Hanspand travel Vietnam, Asiatica travel, Exotissimo travel Vietnam, Oxalis Adventure Tours, Công ty du lịch Lâm Đồng, Vietasian Nha Trang,… đều là những công ty lữ hành nổi bật với các tour du lịch mạo hiểm.
Dù hoạt động du lịch mạo hiểm ở nước ta vẫn chưa thực sự bứt phá và tạo nên điểm nhấn riêng biệt nhưng qua khảo sát, nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm được các doanh nghiệp chủ động tổ chức đã thu hút được lượng lớn khách tham gia.
Nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm thực sự đã gây được hứng thú với khách trong nước và quốc tế như chương trình chinh phục đỉnh Fan Xi Păng, đỉnh Lang Biang, đỉnh Bạch Mã, đèo Prenn, các chương trình lặn biển ở Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi, chèo thuyền kayak trên vịnh hạ Long, đảo Cát Bà,…
Bên cạnh đó, nhận thấy đây thực sự là lĩnh vực tạo nên sức hút lớn với khách, nhiều địa phương đã tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm với quy mô lớn và có tính chất thường niên nhằm tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho du lịch vùng.
Nổi bật, từ năm 2017 đến nay, Festival Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tổ chức tại đèo Khau Phạ - một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc là hoạt động du lịch của tỉnh Yên Bái tạo được nhiều ấn tượng với khách du lịch trong và ngoài nước. Trong năm nay, dù lượng khách quốc tế ít hơn các năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sự kiện này vẫn hút được lượng lớn người tham gia trong nước.
Trong khi đó, tại Quảng Bình, tỉnh hiện có 25 sản phẩm du lịch với nhiều loại hình và trải rộng từ rừng đến biển, từ sinh thái đến tâm linh, trong đó có 15 loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm và trải nghiệm được tổ chức tại vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, nổi tiếng nhất là hoạt động khám phá mạo hiểm tại khu vực hang Sơn Đoòng – hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Theo thống kê của đơn vị khai thác tour thám hiểm hang Sơn Đoòng, trong năm 2019 đã có khoảng 800 lượt khách chinh phục thành công tour khám phá mạo hiểm hang động này.
Có thể nói, du lịch mạo hiểm là một trong những xu hướng nổi bật hiện nay. Khai thác tốt tiềm năng của loại hình du lịch này sẽ góp phần vào sự phát triển và khẳng định vị thế du lịch Việt trên bản đồ quốc tế.
Tiêu chuẩn bị phớt lờ
Tiêu chuẩn đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người tham gia là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển loại hình du lịch mạo hiểm. Trên thực tế, vì tính chất của loại hình này liên quan tới các hoạt động có mức độ nguy hiểm cao nên những rủi ro, tai nạn là điều rất dễ bắt gặp.
Năm 2018, sau sự cố một du khách nước ngoài tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tạm ngưng mọi tour du lịch mạo hiểm tại thác Datanla. Hay gần đây, vụ việc phi công người Nga rơi từ độ cao 20m xuống đất khi tham gia sự kiện Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” vừa qua đã khiến nhiều người lo ngại hơn về việc đảm bảo an toàn khi tham gia thử thách nguy hiểm.
Cần siết chặt hoạt động quản lý du lịch mạo hiểm. |
Dù đã có tiêu chuẩn quốc gia về hoạt động du lịch mạo hiểm nhưng thực tế, việc đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Một mặt, nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm tự phát nảy sinh tại các vùng du lịch không đảm bảo các yếu tố an toàn cho du khách, các thiết bị bảo hộ đều tự phát, dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.
Mặt khác, hoạt động quản lý người tham gia khi thực hiện thử thách mạo hiểm chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến việc nhiều người tự ý hoạt động cá nhân, không tuân thủ theo nguyên tắc an toàn được cảnh báo.
Điển hình như tại sự kiện “Bay trên mùa nước đổ”, trên Giấy phép bay dù lượn do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam số 1006/TC-QC cấp cho Câu lạc bộ dù lượn Vietwings Yên Bái, ghi rõ: Câu lạc bộ chỉ được bay loại dù không có động cơ. Thế nhưng, thực tế Câu lạc bộ đã mang 1 dù có động cơ tới sự kiện, có kế hoạch bay nhưng sau đó hoãn lại. Đây là loại dù có phạm vi hoạt động rất rộng, rất nguy hiểm khi cất, hạ cánh và cả trong khi bay.
Hiện nay, các doanh nghiệp, công ty lữ hành có mong muốn đưa vào khai thác các tour mạo hiểm cần phải thực hiện thủ tục kiểm định gắt gao, trải qua các khâu kiểm định kỹ lưỡng nhằm đảm bảo mức độ an toàn tối đa đối với người tham gia du lịch. Bên cạnh đó, việc tuân thủ tiêu chuẩn an toàn trong du lịch mạo hiểm cũng cần thực hiện nghiêm túc để không có sự cố đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch nói chung.