Công trình triệu đô và cuộc trỗi dậy đầy ngoạn mục
1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Sao Mai đã “mạnh tay” đầu tư vào Sao Mai Super Feed để hiện thực hóa giấc mơ sản xuất ra dòng thức ăn thủy sản chất lượng cao, không chất cấm, không chất kháng sinh, đạt các tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT.
Nằm sừng sững soi mình xuống dòng Sông Hậu quanh năm cuộn chảy, Sao Mai Super Feed mang hơi thở của nhịp sống vươn mình lớn mạnh của vùng đất Chín rồng đang nhanh tay bắt kịp với nền kinh tế hội nhập của cả nước. Công trình có phối cảnh kiến trúc đẹp, thiết kế hiện đại thể hiện tầm nhìn trăm năm luôn rạng rỡ của Nhà đầu tư. Với công nghệ thiết bị tiên tiến, lắp đặt 7 dây chuyền nạp liệu hoàn toàn tự động theo qui trình khép kín được nhập khẩu đồng bộ từ các nhà cung cấp có thương hiệu nổi tiếng thế giới, Sao Mai Super Feed là Nhà máy qui mô nhất và hiện đại nhất cả nước trong ngành hàng TATS.
Ngày 21/11/2017, đánh dấu cột mốc quan trọng để Sao Mai Super Feed khởi động. Nhà máy có tổng diện tích xây dựng gần 50.000 m2, công suất 63 tấn/giờ tương đương 378.000 tấn sản phẩm/năm. Tập đoàn Sao Mai khẳng định sẽ thực hiện qui hoạch phát triển vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát đầu vào nghiêm ngặt, đảm bảo đúng về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngành: 10 TCN 864: 2006, 10 TCN 984: 2006.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, toàn vùng ĐBSCL nuôi cá tra đạt 5.050ha cho sản lượng đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một người nuôi cá tra kỳ cựu tại huyện Châu Phú, An Giang nói: “Mấy chục năm nay, thức ăn thủy sản tại Việt Nam chỉ xuất hiện hàng loạt người khổng lồ thống lãnh như C.P (Thái), Cagrill (Mỹ)...quả là điều đáng buồn. Suy tính lại, người nuôi cá tra đang làm lợi ngoại tệ cho các Tập đoàn bán thức ăn nước ngoài”.
Sao Mai đã tạo dấu ấn riêng khi khởi động nhà máy nghìn tỷ để nâng tầm giá trị của “con cá tỷ đô”. Trước hết trong quá trình nuôi chế biến cá tra, Tập đoàn Sao Mai nhận thấy ngành hàng xuất khẩu cá tra fillet tăng mạnh nhưng thời gian qua, người nuôi cá phải thường xuyên đối mặt với tình trạng giá thức ăn thủy sản tăng cao, thức ăn không đảm bảo chất lượng khiến hiệu quả nuôi thấp. Thậm chí, nhiều lô hàng cá tra xuất khẩu bị trả về nước do đối tác kiểm tra thấy dư lượng kháng sinh cấm vượt mức cho phép. Nhận thấy những bất cập này nên quý 3 năm 2015, Tập đoàn Sao Mai quyết định xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản lớn nhất nước để cung cấp thức ăn cho vùng nguyên liệu nói riêng và cho toàn ngành nuôi trồng thủy sản nói chung. Ông Trương Vĩnh Thành, phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, đây là một quyết sách vô cùng đúng đắn.
Hiện thực giấc mơ cá tra Việt
Sao Mai Super Feed chuyển động đã tạo tâm điểm chú ý bởi người nuôi cá, các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của sản phẩm thức ăn thủy sản có chất lượng cao cũng đồng nghĩa sẽ giúp thủy sản phát triển tốt, tăng giá trị kinh tế và uy tín trên thị trường toàn cầu.
Máy móc thiết bị của nhà máy được nhập khẩu theo công nghệ mới nhất của Châu Âu và Hoa Kỳ, có hệ thống nạp liệu tự động. Nhà máy đáp ứng được các tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, GLOBAL GAP, ASC, BAP. Cùng với các tiêu chuẩn của Trung tâm sản xuất giống, trang trại nuôi cá và hai nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tất cả có sự kết hợp đồng bộ sẽ đảm bảo phù hợp với hàng rào tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ.
Với thiết kế quy hoạch hợp lý, cơ sở vật chất được đầu tư một cách bài bản, hệ thống quản lý chặt chẽ từ khâu chọn mua kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào đến xây dựng công thức thức ăn tối ưu, quản lý sản xuất hiệu quả. Xác định chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm thức ăn thủy sản đồng thời khẳng định sức vươn của nền sản xuất nội địa ở ngành hàng này, được biết, Sao Mai sẽ hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực để tiếp tục nghiên cứu khảo nghiệm chuyên sâu và luôn cải tiến chất lượng theo qui chuẩn mới để sản xuất ra các loại thức ăn thủy sản với hệ số FCR thấp.
Sao Mai Super Feed – một ngôi sao mới sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chuỗi sản xuất cá tra mang đến sự thịnh vượng cho các hộ nuôi ĐBSCL và sự phát triển của ngành cá tra Việt Nam.