Sáng lập nhiều mô hình hay
Là người tâm huyết về các mô hình tự quản về ANTT, ông Vinh chia sẻ: “Các mô hình tự quản về ANTT không những phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong đấu tranh, ngăn ngừa phát sinh tội phạm ở cơ sở mà còn tạo mối đoàn kết trong khối dân cư, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm và thể hiện sức mạnh của nhân dân”.
Với tâm huyết này, ông Vinh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và nhân rộng thành công mô hình “3 An toàn” về ANTT, nghĩa là an toàn về người, về tài sản, về địa bàn.
Bà Trần Thị Bài (SN 1964, trú thôn Trà Đóa I, xã Bình Đào) nói: “Sau khi thôn tôi xây dựng mô hình “3 an toàn”, gia đình tôi được tuyên truyền nâng cao ý thức tự giữ gìn tài sản, con người. Tôi luôn răn dạy con cái giữ mình, không vi phạm pháp luật, tối ngủ kiểm tra cửa ngõ cẩn thận, đi đâu cũng phải khóa xe máy và bảo quản tài sản của mình…”.
Chính những người dân tích cực như bà Trần Thị Bài đã góp phần triệt tiêu cơ hội gây án của các loại tội phạm. Từ đó, tình hình trộm cắp trên địa bàn đã được hạn chế.
Không chỉ với người dân địa phương, mô hình “Tuần tra, tuyên truyền, vận động trực tiếp” do ông Trần Thế Vinh sáng lập đã giúp cả người dân địa phương khác đến xã Bình Đào phòng tránh cướp giật.
Vào các thời điểm phức tạp, ban đêm, công an xã tuần tra trên các tuyến đường và tuyên truyền trực tiếp từng người tham gia giao thông cảnh giác nạn cướp giật tài sản. Từ khi áp dụng mô hình này, trên địa bàn chưa có trường hợp cướp giật xảy ra.
Mô hình “Tiếng loa an ninh” là mô hình nổi bật nhất ở xã Bình Đào gắn liền với sự sáng tạo của Trưởng Công an xã. Không đơn thuần như mô hình “Tiếng loa an ninh” ở các địa phương khác, “tiếng loa” ở Bình Đào được lắp đặt và vận hành bằng hệ thống tự động hóa trên loa phát thanh của Đài truyền thanh xã.
Theo đó, khi có vấn đề gì cần thông báo cho toàn dân trong xã biết, người phát thông tin chỉ cần kích hoạt mã số thì hệ thống loa phát thanh của xã sẽ hoạt động. Nếu người dân phát hiện trộm, lập tức tất cả các loa trên địa bàn xã sẽ thông báo đặc điểm, nhân dạng của tên trộm khiến đối tượng sẽ khó có cơ hội thoát thân.
Ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND xã Bình Đào nhận xét: “Cái hay của các mô hình là sát hợp với tình hình thực tế. Như mô hình “Đảm bảo ANTT ở vùng giáp ranh” chẳng hạn, đã tháo gỡ được vướng mắc trong cơ chế giải quyết vụ việc trên địa bàn. Sau khi mô hình ra đời, Công an các xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Minh phối hợp chặt chẽ, kịp thời nên tình hình truy bắt đối tượng phạm tội được thuận lợi.
Ngoài những mô hình tiêu biểu, ông Trần Thế Vinh còn phối hợp tham mưu chính quyền địa phương xây dựng các mô hình phù hợp với từng thôn như mô hình “Ánh sáng đường quê”, mô hình “Đoạn đường tự quản”...
Vận động quần chúng
“Công tác vận động quần chúng là biện pháp chiến lược, cơ bản, làm nền tảng cho các biện pháp công tác khác và mọi hoạt động của lực lượng Công an”, ông Vinh khẳng định với chúng tôi.
Cũng từ suy nghĩ này, ngoài việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT, Trưởng Công an xã đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng và xem đây là biện pháp cơ bản, chiến lược, làm nền tảng cho việc thực hiện các biện pháp khác trong 7 biện pháp được quy định trong Luật Công an nhân dân 2005.
Năm 2017, ông Trần Thế Vinh đã tham mưu địa phương xây dựng kế hoạch “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và kỹ năng tuyên truyền miệng”. Thực hiện kế hoạch này, ông Vinh và lực lượng công an xã đã vận động, tuyên truyền pháp luật cho hơn 5.000 lượt người dân và giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn, tranh chấp.
Với các đối tượng hình sự, thanh niên có nguy cơ sai phạm, ngoài thường xuyên gọi hỏi răn đe, ông Vinh luôn quan tâm, gần gũi và động viên họ hướng thiện. “Chúng tôi vừa làm công tác dân vận, vừa triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo ANTT”, ông Vinh chia sẻ.
Trong công tác vận động quần chúng, bên cạnh những thuận lợi, ông Vinh và đồng đội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông đã đưa ra các phương án giải quyết “thấu tình đạt lý”.
Trong quá trình tiếp xúc với địa bàn, với nhân dân, ông Vinh luôn có thái độ ân cần, quan tâm lắng nghe và ghi nhận đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của mỗi người dân, đồng thời khéo léo phân tích, giải thích, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.
Mới đây nhất, sáng ngày 22/8, ông Vinh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp với Mặt trận các đoàn thể đã hòa giải thành công vụ mâu thuẫn vợ chồng giữa ông H.V.H và bàn N.T.T. Trước đó, ông H. nhiều lần đánh bà T. khiến bà bỏ về nhà cha mẹ ruột để sống.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân sự việc và hoàn cảnh gia đình, ông Vinh đã phân tích sai trái và dùng đạo nghĩa vợ chồng, đặc biệt là việc học của con cái để khuyện ông H. và bà T. về sống với nhau để nuôi dạy các con. Nghe những lời phân tích, thuyết phục của Trưởng Công an xã và tổ hòa giải cơ sở, hai vợ chồng ông H. đã đưa nhau về nhà.