Là hộ kinh doanh sản xuất mặt hàng được tiêu thụ khá lớn vào dịp Tết, chị Nguyễn Thị Vân – Chủ hộ kinh doanh sản xuất miến dong Đức Phát (Hoài Đức, TP Hà Nội) cho biết, năm nay mặc dù kinh tế chung khó khăn nhưng công việc kinh doanh lại khá thuận lợi với gia đình chị. Tính đến cuối tháng 1/2024, cơ sở sản xuất của anh chị gần như đã hoàn tất cho việc sản xuất hàng cuối năm. Các đơn hàng trong kho đã được khách lấy gần hết.
“Khách buôn từ các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh đã lấy hàng từ cách đây cả tháng trời, chỉ còn một hai chuyến hàng nữa là hết. Còn lại một vài khách lẻ ở vùng lân cận thì cũng đã lên đơn và đợi ngày đến lấy. Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó nhưng may mắn sản phẩm của chúng tôi vẫn được sản xuất và tiêu thụ tốt. Thậm chí, số lượng đơn hàng năm nay còn cao hơn hẳn năm ngoái” – chị Vân hồ hởi chia sẻ.
Cũng theo chị Vân, cơ sở kinh doanh của vợ chồng chị hiện có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là miến dong truyền thống và miến rút – đây là các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết cổ truyền dân tộc. Sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm của Hộ gia đình đã được quảng bá, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý. Năm nay, để chuẩn bị sản phẩm cho dịp Tết, cơ sở sản xuất của chị Vân đã phải tăng cường thêm nhân công và tăng công suất hoạt động mới có thể cung ứng đủ cho khách lấy buôn và bán lẻ.
Chủ cơ sở sản xuất Đức Phát cũng cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào năm nay tăng cao, nhưng cơ sở sản xuất vẫn cố gắng giữ nguyên mức giá bán, để có thể đem đến sản phẩm chất lượng với giá thành ổn định cho người tiêu dùng.
Khác với tâm trạng vui tươi, phấn khởi về một mùa Tết bội thu của chị Vân, anh Lương Văn Phương – Giám đốc HTX bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) buồn bã khi chia sẻ với phóng viên về cái Tết đang cận kề.
Do ảnh hưởng thời tiết nên chất lượng và sản lượng sản OCOP 4 sao - Bưởi đỏ Đông Cao của HTX bưởi đỏ Đông Cao năm nay giảm đi đáng kể. (Ảnh: HTX Đông Cao). |
Anh Phương cho biết, giống bưởi đỏ Đông Cao được coi là “báu vật” của làng Đông Cao bởi đây là món quà truyền đời của tổ tiên. Loại quả này không chỉ có ý nghĩa giúp người dân ăn nên làm ra, mang lại bình an và tài lộc mà còn có hàm lượng chất lycopen, giúp người dùng tăng cường đề kháng, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi... Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Loại quả này luôn được người dân săn lùng vào dịp Tết. Thế nhưng, dịp gần Tết năm nay mưa kéo dài khiến bưởi bị rụng, thối, sản lượng bưởi bị giảm đáng kể... Bên cạnh đó, chất lượng quả bưởi cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.
“Mùa vụ năm nay HTX Đông Cao chúng tôi ước tính thu hoạch được khoảng 1 vạn quả bưởi đỏ, thế nhưng mưa bão khiến bưởi bị rụng trái, nhiều quả bị thối, chỉ còn khoảng 4.000 -5.000 quả bưởi đỏ trên tổng 4ha, của 20 hộ. Thêm vào đó, chất lượng bưởi cũng bị giảm, bưởi không được ngọt và ngon trái khiến đầu ra gặp khó”, anh Phương nói.
Cũng theo anh Phương, những năm trước, vào tháng 9, tháng 10 đã có khách đặt hàng trước nhưng năm nay sát Tết đơn hàng vẫn "đi" rất chậm. “Hiện (giữa tháng Chạp - PV) cả HTX Đông Cao mới có khoảng 2.000 quả bưởi được lên đơn, còn lại vẫn ngóng khách mua. Nhiều khách đã đặt hàng nhưng khi tới xem bưởi thì lại hoàn đơn do chất lượng bưởi không được như những năm trước”, anh Phương ngậm ngùi.
Chia sẻ thêm về đầu ra cho bưởi đỏ Đông Cao, anh Phương cho biết, sản phẩm OCOP của HTX gặp khó về vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ. Hầu hết đầu ra của sản phẩm tập trung vào nguồn khách truyền thống từ các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, chưa có kênh tiêu thụ nào khác.
"HTX mới chỉ bán cho khách buôn tại vườn, chứ chưa mở rộng được kênh tiêu thụ. Việc đưa sản phẩm vào siêu thị gặp rất nhiều khó khăn, do siêu thị không có hợp đồng thu mua từ sớm mà thường vào sát vụ siêu thị mới làm hợp đồng mua, điều này khiến HTX bị động trong việc tìm đầu ra. Bên cạnh đó, chiết khấu cao cộng với việc hoàn vốn lâu cũng khiến HTX không mấy mặn mà và ngại việc kết nối, đưa sản phẩm vào siêu thị" - anh Phương cho hay.
Theo anh Đào Duy Vinh, năm nay do kinh tế khó khăn, mặt hàng thịt tươi sống của Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh cũng tiêu thụ chậm. |
Tương tự, anh Đào Duy Vinh – Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh (CCN Hà Bình Phương, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết, 12 năm sản xuất các mặt hàng như: giò lụa, chả heo, xúc xích…, những sản phẩm đều đạt sản phẩm OCOP 4 sao, công ty sản xuất quanh năm, song cao điểm là các tháng cuối năm. Thế nhưng năm nay, sản lượng tiêu thụ tháng Tết của công ty cũng giảm đáng kể.
Theo anh Vinh, nguyên nhân là do nền kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua yếu hơn. Mặc dù các sản phẩm của công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh có các kênh tiêu thụ khá đa dạng như siêu thị, trường học, nhà hàng, đại lý… nhưng đến giữa tháng 12 âm lịch 2023, lượng đơn hàng của công ty giảm từ 20-30% so với năm trước.
“Dịp Tết này, ngoài thay đổi bao bì, mẫu mã thì chúng tôi triển khai các chương trình khuyến mãi, tăng mức chiết khấu cho đối tác, tuy nhiên sức mua vẫn chậm”, anh Vinh cho biết thêm.