Một hình thức tát mới vừa được cô giáo THCS ở Quảng Bình sáng tạo là bắt cả lớp xếp hàng tát bạn, mỗi em 10 cái – một sự trừng phạt công khai, có tổ chức. Đặc biệt là cái tát cuối cùng của cô giáo sau phản ứng của em học sinh: “Em ghét cô!” đã làm tràn ly nước phẫn nộ của dư luận và những lời lên án trút lên cô giáo này.
Bình tâm mà suy xét thì thấy rằng hành vi không thể chấp nhận được của cô giáo kia là do áp lực thường trực phải giữ cho lớp mình chủ nhiệm không bị xếp loại kém hơn các lớp khác trong trường.
Cái đó gọi là “bệnh thành tích” trầm kha trong giáo dục nước ta. Điều này lại càng được khẳng định hơn khi cô Hiệu trưởng đề nghị báo chí không đưa tin vì sợ ảnh hưởng đến việc nhận danh hiệu “trường chuẩn”.
Cái “lỗi hệ thống” đó cũng cần phải tính đến khi phán xét hành vi ứng xử của một người trong một bối cảnh hiện tại là có không ít những trường hợp trừng phạt học sinh bằng cách “dùng nhục hình” xảy ra tại học đường bằng những cách khác nhau, lời nói hay hành động.
Nhìn từ góc độ khác, phương pháp dạy dỗ trẻ con “truyền thống” là “Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Câu châm ngôn này không chỉ biện minh cho những hành vi ứng xử mang tính bạo lực mà còn là “não trạng” thực sự của một số người.
Người ta hiểu nhiều theo cái nghĩa đen trần trụi mà bỏ qua ý nghĩa sâu xa hơn là dạy dỗ trẻ em cần đến sự nghiêm khắc, đừng nên chiều chuộng quá. Yêu thương mới là cốt lõi trong cách giáo dục trẻ em, kể cả khi phải dùng biện pháp trừng phạt thì điều đó vẫn xuất phát từ sự yêu thương. Vì thế, sự trừng phạt truyền thống “cho roi, cho vọt” chỉ nhắm vào cái mông thôi chứ không nhằm vào mặt.
Cô giáo đã rất hối hận với hành vi phản giáo dục của mình. Chắc chắn sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật và lương tâm. Khi sự việc này còn đang làm “mồi lửa” khiến dự luận sôi sục thì xảy ra hành vi côn đồ của 3 thanh niên xử sự với các nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Hành vi tát, đấm đá các nhân viên đang làm việc, gây náo loạn trật tự công cộng này mới cần phải khởi tố vụ án và trừng phạt đích đáng. Chúng chính là hiện thân “sản phẩm” lỗi của giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.