Trong điều kiện hội nhập quốc tế, lao động trẻ em là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm. Cần phải biết rằng, tất cả các hiệp định quốc tế đều có tiêu chuẩn quy định tiêu chuẩn về lao động trẻ em. Khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định TPP, một số mặt hàng không thể xuất khẩu đến những nước có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ... nếu trong sản phẩm có hàm lượng lao động trẻ em.
Có thế lấy ví dụ điển hình từ một số công ty sản xuất sôcôla nổi tiếng của Thụy Sỹ bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Thực tế, các công ty sản xuất sôcôla này không sử dụng lao động trẻ em nhưng truy đến tận các đồn điền trồng cây ca cao làm nguyên liệu sản xuất ra sôcôla lại có trẻ em làm việc.
Hay hiện nay một số công ty mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu đang bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Theo cáo buộc này, lớp nhũ sơn móng tay được làm từ các vỏ sò, vỏ ốc do những trẻ em Ấn Độ nhặt nên sản phẩm bị kết luận có sử dụng lao động trẻ em.
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất tại Việt Nam. Hiện nay, thành phố đang có khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Đây là khu vực vừa cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp vừa có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc, có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Bộ LĐ-TB&XH đã chọn Hà Nội là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua ILO tại Việt Nam.
Triển khai dự án, Hà Nội thực hiện tại 21 xã của 4 huyện là Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm với khoảng 300 làng nghề. Song song với công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng lao động trẻ em, dự án hỗ trợ các gia đình khó khăn cải thiện sinh kế, tăng thu nhập để trẻ em – thành viên của gia đình sẽ không phải mưu sinh sớm.