Vở mới dàn dựng đã bị xếp kho, nhà hát chỉ có vài chục người tới xem... Điều gì khiến sân khấu truyền thống rơi vào cảnh chợ chiều như vậy? Xin thử lý giải vấn đề này từ góc nhìn thực lực của sân khấu truyền thống hiện nay .
Một cảnh trong vở diễn “Trạng Lường” của Nhà hát Chèo Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu
|
Vì lỗi nhịp...
Tiến sĩ, tác giả Trần Đình Ngôn bộc bạch: “Trước hết hãy nhìn nhận thẳng thắn đó là cái lỗi của chính chúng ta. Những người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống (SKTT) hãy tự cứu lấy mình trước đã. Sinh ư nghệ. Tử ư nghệ! Chúng ta phải biết chấp nhận tất cả những thử thách khi SKTT lúc thăng, lúc trầm. Trước khi trở thành tác giả chèo sống được bằng nghề, bản thân tôi cũng đã chịu đói, chịu rách, đi chợ chỉ dám mua mớ rau muống và vài củ lạc rim. Để không chấp nhận "bán mình" làm "chèo cải tiến", tôi đành phải vậy! Mặt khác, chèo hay tuồng, cải lương thì đều giống nhau. Phải làm cho hay, cho đúng, tránh sự pha tạp, lai căng!”.
Nhìn vào thực tế hiện nay, thấy rõ SKTT đang vắng người xem, một trong những lý do căn bản nhất là loại hình nghệ thuật này đang lỗi nhịp với đời sống hiện tại. Những tích tuồng cũ được khôi phục lại, những kịch bản mới vừa công diễn đã nguội lạnh... Có thể nhận thấy rất rõ những hình thức cũ, cách khai thác đề tài của SKTT đều đang đi chậm hơn so với nhu cầu thưởng thức và tư duy của người xem hôm nay. Thời này, dường như những vở chèo với các nhân vật, những mối xung đột mâu thuẫn của thời phong kiến; những câu chuyện dân gian, cổ tích của các ông hoàng bà chúa, địa chủ, cường hào... đã trở nên lạc hậu đối với những nhân vật của hôm nay khi xã hội ngày một phát triển. Đây là một trong những lý do khiến người xem thờ ơ với SKTT. Vẫn có thể yêu những làn điệu chèo cổ, những câu hát tuồng nhưng nếu cứ phải xem đi xem lại một kiểu cấu trúc kịch bản dài dằng dặc, một mô-típ nhân vật quá cũ, quá xa lạ với mình thì thử hỏi làm sao họ có thể kiên nhẫn ngồi tới hai tiếng đồng hồ trong nhà hát để xem?
Tuồng, chèo, cải lương... là nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc ta, nhưng những bộ môn này khi phát triển có còn phù hợp với cuộc sống hôm nay nữa hay không? NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, cho biết: “Loại hình nghệ thuật tuồng cũng như các sân khấu dân tộc khác đang đối diện với những khó khăn: Địa điểm biểu diễn ít, kịch bản vừa thiếu lại vừa yếu bởi người viết quá khan hiếm... Đáng lo hơn là tuồng không có những tài năng kế cận bởi lớp trẻ không nhìn thấy tương lai của mình ở bộ môn này”. Thiếu những diễn viên trẻ đẹp để thanh xuân hóa đội ngũ nghệ sĩ SKTT là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay, cũng là nguyên nhân khiến SKTT kém đi sự tươi mát, hấp dẫn. Lực lượng tác giả, đạo diễn là nòng cốt tạo nên linh hồn cho vở diễn được đào tạo ở các trường không phải là ít, nhưng điểm qua các gương mặt tác giả, đạo diễn SKTT sao thật hiếm hoi. Chúng ta có thể đếm được trên đầu ngón tay vài ba tác giả như Trần Đình Ngôn, Khắc Duyên, Lê Duy Hạnh, Trần Đình Văn..., cùng vài đạo diễn như: Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Bùi Đắc Sừ, Hà Quốc Minh...
Một số đơn vị SKTT chuyển sang chương trình biểu diễn các trích đoạn, các tiểu phẩm hài để hút người xem. Nhưng sự tìm tòi không bắt nguồn từ cái gốc của truyền thống nên những món ăn thập cẩm pha tạp này lập tức bị đào thải!
Chấn hưng sân khấu truyền thống, bắt đầu từ đâu?
GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất nhiều giải pháp nhưng do xu thế hội nhập, vài thập kỷ qua SKTT, đặc biệt là tuồng đã gặp rất nhiều khó khăn. Cũng vì thế, người nghệ sĩ bắt đầu tìm mọi cách để mưu sinh cho mình không phải bằng nghề tổ mà bằng nhiều nghề khác... Nhiều diễn viên biểu diễn tuồng như cái lẽ bắt buộc phải biểu diễn theo định kỳ để được lĩnh đồng lương "còm" chứ không phải là niềm say mê máu thịt với nghề”.
Có rất nhiều giải pháp cơ bản được nêu ra nhưng vẫn chưa được thực thi như cải cách chế độ tiền lương, chế độ nghỉ bảo hiểm xã hội đối với nghệ sĩ thuộc bộ môn SKTT; tăng cường hỗ trợ mang tính đặc thù về trang thiết bị sân khấu, cơ sở vật chất cho nghệ sĩ biểu diễn và tập luyện; hỗ trợ biểu diễn miễn phí để thu hút được nhiều đối tượng khán giả đến với các vở tuồng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tuồng vào học đường, tiếp tục thực hiện dự án sân khấu học đường trên khắp các tỉnh thành; chế độ nhuận bút cho các thành phần sáng tạo SKTT phải được nâng cao hơn... Thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành du lịch cần có sự phối hợp biểu diễn SKTT với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng dường như sự bắt tay này vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ và chưa đem lại hiệu quả.
Lúc này, vấn đề cần thiết hơn cả là quan tâm đào tạo đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, đồng thời có những chủ trương, chính sách đúng đắn để phát huy tiềm lực của SKTT. Các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát và đội ngũ những người làm SKTT cần xây dựng nên những tác phẩm hay, đậm chất truyền thống, chắt lọc được những tinh hoa của cha ông để lại và tạo được mối liên kết với thị hiếu của công chúng hôm nay. Cùng đó, cần đầu tư có trọng điểm, đúng chỗ và hiệu quả. Đây là việc cần làm ngay và phải được thống nhất từ cơ sở./.
Thúy Hiền