Sau 118 năm đồng hành, đưa các nhà sáng chế “từ bóng tối bước ra ánh sáng” với các ý tưởng sáng tạo, độc đáo và vô cùng tiện ích, cuộc thi sáng chế quốc tế Concours Lépine International Paris đã trở thành “tủ kính trưng bày không thể thiếu” cho hàng chục ngàn sáng chế, phát minh trong suốt hơn một thế kỷ qua.
Không ít sáng chế bắt nguồn từ cuộc thi Concours Lépine đã trở nên quen thuộc khắp nơi trên thế giới hàng chục năm qua, thậm chí là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Trong số đó, có thể kể tới đèn pin (năm 1903), máy hút hụi (năm 1907), bút bi (năm 1919), bàn là hơi (năm 1921), thiết bị truyền máu (năm 1934), kính áp tròng (năm 1948)… Gần đây, gậy giúp tự chụp ảnh selfie cũng đoạt giải thưởng từ cuộc thi Lépine 2012 và trở thành một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường.
Từ khi ra đời cho tới nay, Concours Lépine dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn luôn là bàn đạp đưa các nhà sáng chế đến với giới đầu tư để sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, hay tìm được nhà phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Giải thưởng Lépine cũng tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều người. Năm nay, cuộc thi được tổ chức tại Hội chợ Paris (Foire de Paris) 2019, từ ngày 27/04 đến 08/05, trong Cung Triển lãm Parc des Expositions, cửa ô Paris Porte de Versailles.
Sân chơi cho tất cả những ai đam mê sáng chế
Concours Lépine không phải một đấu trường cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp, mà là sân chơi cho tất cả những ai đam mê sáng chế, phát minh, không kể già, trẻ, nam, nữ. Vì thế, đến với Concours Lépine International Paris 2019, không chỉ có các nhà sáng chế dày dặn kinh nghiệm mà còn có cả những người mới lần đầu đăng ký bảo hộ bằng sáng chế.
Ông Jacques Pitoux, 52 tuổi, từng làm trong lĩnh vực quảng cáo, đã có 35 bằng sáng chế, năm nay là năm thứ 13 ông tham gia Concours Lépine. Ông Pitoux dự thi Concours Lépine Paris 2019 với một thiết bị bay không người lái dội “bom nước” chữa cháy, có thể đậu trên mặt nước để hút nước.
Ông Joseph Collibault, 72 tuổi, cũng là một nhà sáng chế hàng loạt. Năm nay, sản phẩm dự thi của ông là một chiếc xe lăn địa hình dành cho người đi lại khó khăn. Ý tưởng đến với ông sau khi ông trò chuyện với một người cao tuổi phải ngồi một chỗ trong nhà vì không tìm được chiếc xe lăn nào có thể lăn trên sỏi đá, trong vườn hay ở những địa hình khó đi khác.
Trong khi đó, cô Gina Perier, một kiến trúc sư người Pháp 25 tuổi, hiện đang sống tại Đan Mạch, lần đầu tiên đăng ký bằng sáng chế và tham dự Concours Lépine Paris. Vốn rất quan tâm đến cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của nữ giới, cô gái trẻ thấy rằng ở những nơi công cộng, so với nam giới, chị em thường phải xếp hàng chờ rất lâu để đi vệ sinh.
Cô dự thi với sản phẩm là khu đi tiểu ngoài trời, di động, dành cho phụ nữ, đặt ở nơi công cộng, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ và cho chị em. Gina Perier nằm trong số 1% nhà sáng chế tham gia cuộc thi Lépine là nữ.
Cho dù là mới là lần đầu tiên dự thi, hay đã dày dặn kinh nghiệm, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, thì các nhà sáng chế đều góp phần khơi gợi được lòng hiếu kỳ, sự hào hứng, phấn khởi của khách tham quan Concours Lépine, trong đó có ông bà Nelly và Bernard, cho dù ông bà đã nhiều lần tới thăm Hội chợ Paris.
Bà Nelly vui vẻ nói: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến Hội chợ Foire de Paris, nhưng lần nào chúng tôi cũng bắt đầu từ Concours Lépine. Luôn có các sản phẩm rất sáng tạo, thú vị. Chúng tôi đi qua từng gian hàng và có thể chọn theo giá cả và chất lượng. Có rất nhiều dụng cụ làm bếp. Có mọi loại mặt hàng và các sản phẩm được sản xuất từ nhiều nước khác nhau”.
Còn ông Dominique Davenel đến từ vùng hải ngoại Guyanne của Pháp. Đây là năm đầu tiên ông tới tham quan Concours Lépine. Lý do chính thúc đẩy ông vượt hành trình bay kéo dài 8 tiếng và khá tốn kém: Ông hiếu kỳ muốn biết nước Pháp hiện giờ đã tiến bộ đến đâu, vươn xa đến thế nào về các sáng chế, phát minh qua cuộc thi này.
Sàn đấu sáng chế có những gì?
Năm nay, đến Concours Lépine, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng, tìm hiểu 542 sáng chế, được chia thành nhiều nhóm: Thiên nhiên và nghệ thuật sống, sức khỏe và công nghệ mới, giao thông và công nghiệp, thế giới sáng chế và thế giới kết nối Concours Lépine (dành cho các sáng chế công nghệ cao).
Đặc điểm nổi trội của các sản phẩm dự thi là tính sáng tạo, bất ngờ, sản phẩm tiện dụng, hữu ích nhưng đơn giản, nhỏ gọn, giúp cuộc sống con người trở nên thú vị, dễ dàng và thuận tiện hơn, từ những tấm kỳ lưng trong phòng tắm; chổi quét đa năng; bàn chải cọ rửa nhà vệ sinh đa năng; dụng cụ chải sạch lông cho chó, mèo trên thảm; dụng cụ đóng đinh, nhổ đinh; dây giày co giãn tự động, không cần buộc; dụng cụ cọ rửa kính; kệ đặt chân thích hợp với mọi loại xe hơi; cho tới vòi hoa sen tiết kiệm nước; một số thiết bị máy móc công nghiệp; các sản phẩm công nghệ số kết nối mạng, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường …
Khu vực nhộn nhịp nhất Concours Lépine 2019 là khu trưng bày các loại dụng cụ làm bếp và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa. Và một trong những gian hàng thu hút rất đông du khách, không chỉ các bà nội trợ mà cả thanh niên, người cao tuổi, là tấm lót chống dính Cuisidiete từng đoạt huy chương vàng tại cuộc thi Lépine hồi năm 1999. Người phụ nữ ở quầy hàng giải thích điều gì thu hút họ hàng năm vẫn trở lại Concours Lépine kể cả khi đã giành chiến thắng cách nay tròn 20 năm:
“Trước tiên, ở Paris có nhiều khách hàng. Sản phẩm của chúng tôi là tấm lót chống dính. Bạn có thể sử dụng trong vòng ba năm. Sau mỗi lần sử dụng, bạn rửa sạch nó đi. Đây là sản phẩm được sản xuất tại Pháp. Khi chảo cũ đi, lớp chống dính không hiệu quả nữa thì bạn đặt tấm lót này vào chảo. Hay khi bạn có khuôn nướng món gratin mà bị dính, thì dùng sản phẩm này để chống dính. Rồi rửa sạch với nước và xà phòng.
Chúng tôi tham gia Concours Lépine từ 20 năm nay. Chúng tôi đã đoạt được huy chương vàng trong cuộc thi Lépine cách nay 20 năm. Chúng tôi là nhà sản xuất Pháp nên chúng tôi trở lại Concours Lépine”.
Trước gian trưng bày sản phẩm Bijouprotect, một số khách hàng đang tìm hiểu, ướm thử sản phẩm. Bà Muriel Fournier nhiệt tình giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Những chiếc vòng cổ, lắc đeo tay, hoa tai … nhỏ nhắn, xinh xắn không chỉ là những món đồ trang sức mà còn là một phương tiện bảo vệ người dùng, nhất là chị em phụ nữ, trước những nguy cơ bị tấn công, xâm hại tình dục. Bijouprotect là từ ghép của hai từ : bijoux (đồ trang sức) và protect (bảo vệ). Bà Fournier Bijouprotect giới thiệu:
“Bijouprotect là một món đồ trang sức mà chúng tôi đã chế tạo ra với mục đích đẩy lui những kẻ tấn công, nhất là những kẻ tấn công tình dục. Nó hoạt động rất đơn giản: khi chúng ta giật mạnh sợi dây nhỏ (bên dưới mặt dây chuyền chẳng hạn) thì sẽ tỏa ra một mùi hôi thối khiến người khác lợm giọng. Đó là chất có mùi rất kinh khủng, nhưng hoàn toàn sạch và được chiết xuất từ tự nhiên, vì đó là mùi nước cá lên men.
Khi đột ngột làm mùi này tỏa ra, kẻ muốn tấn công bạn bị bất ngờ, các nơ-ron thần kinh của kẻ bị này bị tê liệt, một lúc sau mới định thần lại được. Khi đó, chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian này để chạy trốn.
Nếu chẳng may không có đủ thời gian để chạy đi tìm chỗ ẩn nấp hay khi kẻ đó quay lại định làm hại chúng ta thì mùi còn lưu lại trên người chúng ta sẽ có tác dụng như một dạng phéromone làm kẻ muốn tấn công không còn hứng thú. Và lúc này, chúng ta phải tranh thủ mà trốn đi. Đó là một sản phẩm dạng lỏng, không kích ứng mắt và da”.
Sau gần ba tuần đón khách, ngày 8/5/2019, ban giám khảo Concours Lépine 2019 đã công bố kết quả. Giải thưởng danh giá nhất năm nay thuộc về Laurent Tonnelier, với ứng dụng “xTag” (khu trưng bày Thế giới kết nối Concours Lépine).
Ứng dụng “xTag” trên điện thoại di động cho phép những người bị nhạy cảm, dị ứng thực phẩm kiểm tra trong khi đi mua sắm xem liệu loại thực phẩm mà họ định mua có phù hợp hay không, giúp người dùng tránh nguy cơ tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng có thể khiến họ gặp nguy hiểm.