Đặc trưng văn hóa Việt
Dự án Cảng HKQT Long Thành được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn I đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn II sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn III sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Đại diện Tổng Công ty HKVN là đơn vị được Chính phủ, Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án Cảng HKQT Long Thành cho biết, từ đầu năm 2015 tổ chức thi tuyển quốc tế thiết kế nhà ga hành khách. Kết quả có 16 đơn vị tư vấn vượt qua vòng sơ tuyển về năng lực kinh nghiệm, năng lực thể hiện các dự án với chín phương án kiến trúc.
Trong danh sách chín phương án kiến trúc, tác giả đều là các công ty tư vấn quốc tế. Không có đơn vị thiết kế trong nước nào lọt qua vòng sơ tuyển, một số buộc phải liên doanh với công ty nước ngoài mới đáp ứng tiêu chuẩn Ban Tổ chức đưa ra. Đến thời điểm này các phương án đã được hội đồng đánh giá xếp hạng và chấm điểm.
Tại buổi lấy ý kiến cộng đồng ở Hà Nội, chín thiết kế lọt qua vòng sơ khảo được trình chiếu công khai. Ban Tổ chức nhận xét, điểm chung các thiết kế đều hướng tới mục đích biến cảng HKQT Long Thành mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam pha lẫn kiến trúc hiện đại. Điều này thể hiện qua việc các tác giả lấy cảm hứng sáng tạo từ hình ảnh bông sen, cây tre hay lá cọ, lá dừa là những hình ảnh thân thuộc của người dân Việt Nam.
Chẳng hạn ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, lá dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình, tác giả muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện theo ý tưởng con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê.
Bên cạnh đó, những tác phẩm dự thi cũng hướng đến tiêu chí “vật liệu xanh”. Nổi bật như thiết kế sử dụng vật liệu tre thiết kế đan kết áp dụng cho toàn bộ không gian chính (Sảnh ga đi, khu vực kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ). Tác giả ý tưởng này thuyết minh rằng, trong sự tiến bộ của kiến trúc xanh là sự phát triển của vật liệu tre ép (vật liệu được xử lý bằng cách ép dính nhiều thanh tre lại thành các dầm lớn). Loại vật liệu này giúp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Lợi thế nữa đó là nhờ sử dụng lớp kết cấu tre trang trí trần nên không cần lắp thêm hệ thống trần treo trên mái nhà ga cũng như lắp đặt vách bao che.
3 hình thức lấy ý kiến
Để thu thập ý kiến, Tổng Công ty HKVN bắt đầu triển khai lấy ý kiến cộng đồng nhằm tham khảo thông tin đánh giá. Từ đó chọn ra phương án đạt hiệu quả cao nhất đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi để xây dựng công trình.
Cụ thể sẽ có ba hình thức lấy ý kiến cộng đồng như sau: Thứ nhất, lấy ý kiến trực tiếp tại bốn tỉnh gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP HCM. Kênh thứ hai là ghi nhận ý kiến trên trang thông tin điện tử Bộ GTVT. Thứ ba, lấy ý kiến các hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Sau đó Tổng Công ty HKVN sẽ tổng hợp ý kiến, và kết quả đánh giá của hội đồng, báo cáo Thủ tướng xem xét, lựa chọn thiết kế tối ưu nhất.
Tham dự lễ cắt băng triển lãm thiết kế sân bay Long Thành lấy ý kiến cộng đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong mười nước có ngành hàng không phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Riêng năm 2015, sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không đạt 63 triệu hành khách và hơn 945 ngàn tấn hàng hóa.
Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng không Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Quy mô thị trường hàng không còn nhỏ, hiện đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, chưa thu hút được nhiều hãng hàng không lớn mở đường bay thẳng xuyên lục địa. Bên cạnh đó việc huy động vốn ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng hàng không chưa cao. Hạn chế nữa là chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập, công tác đào tạo nhân lực hạn chế. Hay như ngành công nghiệp hàng không chưa phát triển so với các nước trong khu vực. Đặc biệt ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước áp lực quá tải, nhất là tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bởi vậy dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước mắt giải quyết vấn đề quá tải cho sân bay phía Nam.
Cũng theo ông Đông, do tính chất như trên nên Bộ chú trọng đến việc lấy ý kiến cộng đồng: “Cần tôn trọng ý kiến người dân để hoàn thiện hơn trong quá trình thực hiện dự án”.
Về lộ trình, ông Đông cho biết sau khi chọn ra được thiết kế cho dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Bộ này mới bắt đầu triển khai nghiên cứu tính khả thi dự án. Ông đánh giá cao chín bản thiết kế lọt qua vòng sơ tuyển nhưng cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kĩ lưỡng hơn chứ không thể dựa vào thuyết minh của tác giả hay nhìn bằng mắt thường. Ví dụ thiết kế đẹp, vật liệu thân thiện với môi trường nhưng cần phải đánh giá độ bền công trình, công năng sử dụng.