Sân bay Anh náo loạn vì máy bay không người lái: Hành động ác ý, hay “trò giải trí” nguy hiểm?

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Sân bay lớn thứ 2 của Anh tính theo lưu lượng hành khách giữa tuần qua đã phải đóng cửa hơn 1 ngày vì sự xuất hiện của 50 lượt máy bay không người lái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch trình của hơn 120.000 hành khách. Vụ việc đã dấy lên những kêu gọi cần phải quản chặt hơn hoạt động của những thiết bị mà nếu không cẩn thận có thể dẫn tới những thảm họa hàng không chết chóc này.

Nỗi ám ảnh ở sân bay Gatwick

Tối 19/12, cô Tayo Abraham và chồng chưa cưới Ope Odedine cùng 9 người thân tới Sân bay Gatwick của Anh, dự định đáp chuyến bay của hãng hàng không Air Arabia tới Marrakesh, Morocco để tổ chức đám cưới. Theo lịch trình, chuyến bay cất cánh lúc 20h40. Toàn bộ quá trình làm thủ tục diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, khi Abraham và những người thân đã yên vị trên máy bay chờ khởi hành thì đột ngột nhận được thông tin chuyến bay của họ sẽ không thể cất cánh vì sự cố tại sân bay. Vạ vật vài giờ trên máy bay, toàn bộ các hành khách được đưa trở lại nhà ga và được thông báo chuyến bay của họ sẽ phải đến 11h00 sáng 20/12 mới có thể khởi hành. 

Cả nhóm của Abraham, trong đó có một em bé 4 tuổi và 1 em bé 1 tuổi, đã thuê khách sạn nghỉ lại qua đêm nhưng đến 11h00 sáng hôm sau, họ tiếp tục nhận được thông báo sân bay chưa hoạt động trở lại.

Không thể chờ đợi thêm, cặp đôi sau đó đã buộc phải chấp nhận bỏ thêm hơn 1.000 USD để đặt chuyến bay sớm nhất khởi hành vào lúc 6h00 ngày 21/12 ở Sân bay Manchester để kịp tới Morroco chuẩn bị đám cưới. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho đám cưới cả năm trời. Chúng tôi không chỉ tổn thất về mặt chi phí mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lý”, Abraham nói. 

Abraham và người thân nằm trong số hơn 120.000 hành khách đã mua vé trên 760 chuyến bay dự kiến cất cánh từ Sân bay Gatwick trong 2 ngày 19 và 20/12 vừa qua. Tuy nhiên, những chuyến bay này đã bị buộc phải hủy bỏ do sự xuất hiện của những chiếc máy bay không người lái. Theo giới chức Anh, sân bay đã phải đóng cửa đường băng vào lúc 21h00 tối 19/12, khi 2 chiếc máy bay không người lái đầu tiên được phát hiện.

Đến 3h00 sáng 20/12, sân bay được mở lại nhưng lại phải đóng cửa thêm một lần nữa 45 phút sau đó, khi có thêm những chiếc máy bay tương tự xuất hiện. Toàn bộ sân bay đã phải đóng cửa đến hết ngày 20/12. Phải đến tận sáng 21/12, sân bay mới hoạt động cầm chừng trở lại.

Giới chức sân bay cho biết, tổng cộng đã có 50 lần máy bay không người lái được phát hiện. Giám đốc điều hành sân bay Gatwick Stewart Wingate cho biết, vụ xâm nhập của các máy bay không người lái đã được tính toán để gây gián đoạn tối đa hoạt động của sân bay vào dịp chỉ ít ngày trước đợt cao điểm nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Theo cảnh sát Anh, khoảng 20 đơn vị cảnh sát từ 2 lực lượng đã tìm cách hạ các máy bay không người lái ngay khi chúng xuất hiện lần đầu. Tuy nhiên, họ không thể dùng súng bắn 2 chiếc máy bay này vì lo ngại khả năng đạn lạc có thể khiến người khác thiệt mạng. “Mỗi lần chúng tôi đến gần vị trí điều khiển máy bay, chiếc máy bay lại biến mất”, cảnh sát trưởng địa phương Justin Burtenshaw cho biết.

Theo ông Burtenshaw, có những dấu hiệu cho thấy các máy bay đó được sản xuất phục vụ mục đích công nghiệp, không phải những thiết bị bay không người lái loại nhỏ và có giá thành thấp mà nhiều người có sở thích chơi máy bay không người lái hay mua.

Những máy bay không người lái thế hệ mới này có kích cỡ lớn hơn và tầm hoạt động cũng rộng hơn, khiến cảnh sát khó xác định được vị trí của người điều khiển chúng. 

Cảnh sát Anh cũng đồng quan điểm cho rằng vụ xâm nhập của các máy bay không người lái là hành vi cố ý gây gián đoạn hoạt động tại sân bay vào mùa cao điểm. Song, họ khẳng định không phát hiện dấu hiệu cho thấy vụ việc có liên quan đến khủng bố.

Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, lực lượng quân đội đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát sẽ sử dụng các thiết bị chuyên biệt để xử lý các trường hợp tương tự xuất hiện.

Gatwick là sân bay có lưu lượng hành khách nhiều thứ 2 ở Anh, nằm ở phía nam của thủ đô London. Trong năm ngoái, sân bay này phục vụ hơn 43 triệu hành khách. Vì vậy, cuộc khủng hoảng ở Gatwick đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển bằng đường không ở không chỉ nước Anh mà còn trên khắp châu Âu.

Giới chức Anh cho biết có thể dỡ bỏ một số hạn chế về tiếng ồn với các chuyến bay đêm tại các sân bay khác nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 20/12. Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ cảm thông với những hành khách bị hủy chuyến bay ở thời điểm Giáng Sinh và Năm Mới đang đến gần. 

Kêu gọi thắt chặt quy định quản lý

Trong thời gian qua, số lượng máy bay không người lái đã tăng mạnh trên thế giới khi giá thành của chúng ngày càng rẻ. Sự xuất hiện được nhiều người ví “như nấm sau mưa” của những thiết bị này cũng đã khiến giới chức hàng không thế giới nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn hàng không với hậu quả vô cùng thảm khốc.

Theo các cảnh báo, những chiếc máy bay không người lái có thể kẹt vào động cơ hoặc đâm xuyên qua kính chắn gió, khiến phi công mất khả năng điều khiển máy bay.

Trước tình hình này, giới chức nhiều nước, trong đó có Anh và Mỹ, đã áp dụng nhiều hạn chế đối với việc sử dụng máy bay không người lái. Trong đó, theo quy định của Anh, những người điều khiển thiết bị bay không người lái để thiết bị bay trong phạm vi 1km quanh sân bay có thể đối mặt với mức án tù 5 năm.

Anh cũng quy định các máy bay không người lái không được bay quá độ cao 120m. Tuy nhiên, vụ việc vừa qua đã dấy lên những kêu gọi Chính phủ Anh cần phải khẩn trương ban hành luật quản lý hoạt động của các máy bay không người lái một cách chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng hàng không nước này Karl Turner trong phát biểu cuối tuần qua cũng cho rằng các quy định liên quan đến máy bay không người lái của Anh chưa đủ chặt chẽ. Ông Turner kêu gọi mở rộng khu vực đặc quyền của sân bay để ngăn sự xuất hiện của những thiết bị bay không người lái từ xa.

Hồi năm ngoái, sân bay Gatwick cũng từng phải đóng cửa trong một thời gian ngắn do sự xuất hiện của một máy bay không người lái. Năm 2016, Sân bay quốc tế Dubai cũng từng phải dừng hoạt động trong ít giờ sau sự xuất hiện của thiết bị này.

Tại Anh, Hiệp hội kiểm soát không lưu của Anh từng phàn nàn về việc giới chức nước này phớt lờ những kêu gọi cần có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn với các máy bay không người lái. Hiệp hội này từng thúc giục giới chức Anh sử dụng phần mềm định vị trực tuyến có thể chặn không để cho các máy bay không người lái bay vào không phận bị cấm và nhiều biện pháp khác.

Đáng chú ý, vụ việc tại sân bay Gatwick diễn ra chỉ vài ngày sau khi truyền thông Anh tiết lộ, hôm 17/8 vừa qua, một máy bay không người lái đã bay cao hơn 20 lần so với độ cao cho phép và đã di chuyển ở vị trí cách một máy bay Boeing 737 đang chuẩn bị hạ độ cao để hạ cánh ở sân bay Stansted ở Essex chỉ 15m. Một hội đồng đánh giá về an toàn bay của Anh đánh giá nguy cơ xảy ra đâm va trong vụ việc này ở mức cao nhất có thể và gọi đây là sự việc không thể chấp nhận được.

Quản chặt “mối đe dọa thực sự”

Trước đó, Hiệp hội giao thông vận tải quốc tế (IATA) cũng đã lên tiếng cảnh báo máy bay không người lái dân sự đang trở thành “một mối đe dọa thực sự và ngày càng tăng” đối với an toàn hàng không thương mại, đồng thời kêu gọi giới chức các nước áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động của thiết bị này trước khi xảy ra các tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Ông Rob Eagles – một chuyên gia về máy bay không người lái tại IATA – cho biết, lo ngại chính của IATA là các máy bay không người lái hoạt động ở gần các sân bay có thể đe dọa các máy bay đang cất hoặc hạ cánh.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý trong lĩnh vực hàng không cũng muốn đảm bảo rằng quang phổ vô tuyến được sử dụng để điều khiển các máy bay không người lái không ảnh hưởng tới các hệ thống kiểm soát không lưu. 

Một thống kê do Trung tâm nghiên cứu máy bay không người lái thuộc trường Đại học Bard có trụ sở tại New York công bố hồi năm 2016 cho biết đã ghi nhận 921 vụ việc có liên quan đến các máy bay không người lái và máy bay có người lái tại không phận Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 9/2015. 36% các vụ việc này được xem là các cuộc “chạm trán gần”. Trong 28 vụ việc này, phi công trên máy bay thương mại đã phải điều chỉnh đường bay để tránh va chạm với máy bay không người lái.

Ông Eagles cũng kêu gọi các nước thành viên của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có một cách tiếp cận hợp lý trong việc ban hành những quy định liên quan đến hoạt động của các thiết bị không người lái cũng như biện pháp có tính khả thi trong việc cưỡng chế những người không tuân thủ các quy định, quy tắc, đẩy những người vào vòng nguy hiểm. 

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.