Dù vậy, người được công nhận chung là làm tiền giả giỏi nhất thế giới, tức là sản phẩm của người này khó có thể phân biệt thật giả nhất trên thế giới, lại là một người không còn hành nghề ấy nữa từ năm 2007. Năm ấy, anh ta bị bắt, bị đưa ra xét xử trước toà, bị kết án 6 năm tù và từ đấy không dám “ngựa quen đường cũ” nữa.
Đấy là câu chuyện của một bị cáo người Đức với tên gọi Hans-Juergen Kuhl. Người đàn ông này có nhiều năng khiếu về nghệ thuật hội hoạ. Chỉ bằng cách sao chép tranh của các danh họa trên thế giới, thiết kế thời trang, các tác phẩm nghệ thuật và trang trí, người này nhanh chóng trở nên giàu có. Một lần làm tiền giả, anh ta bị bắt và ngồi tù thời gian ngắn do khối lượng tiền giả làm ra không nhiều. Cũng từ lần đó mà anh ta chùn tay, cho tới khi bị một nhóm bạn bè xúi dục. Những người này thuyết phục Kuhl làm tiền giả bằng lập luận rằng tiền giả sẽ không được tiêu thụ ở nước Đức mà chỉ ở Anbani và các nước xung quanh đấy.
Nghe bùi tai, Kuhl bắt tay vào làm tiền giả. Năng khiếu hội hoạ và thiết kế cùng với tài năng sáng tạo nên chỉ sau vài lần làm thử, Kuhl đã làm ra được những tờ 100 USD giống như thật và chỉ có những chuyên gia thực thụ mới phân biệt được. Kuhl làm ra tổng cộng 16,5 triệu USD tiền giả. Vấn đề đối với anh ta lại là sau khi làm xong số tiền giả ấy thì những người bạn đặt hàng không thấy đến nhận hàng, hoàn toàn không còn liên hệ gì với Kuhl nữa.
Cho tới khi ấy, mọi chuyện liên quan tưởng như rất hoàn hảo. Không ai để ý gì đến Kuhl. Nhưng trong phạm tội thì dường như kế hoạch hoàn hảo đến mấy vẫn có sai sót nhỏ và từ sai sót nhỏ có thể dẫn đến bi kịch lớn. Những đồng tiền in hỏng được Kuhl xé nát bằng máy xé và vứt vào thùng rác công cộng. Người thu dọn rác thải công công phát hiện ra và báo cảnh sát.
Cảnh sát lục tìm trong đấy và chắp ghép lại được một bức thư của hãng bảo hiểm gửi cho Kuhl. Anh này lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra vì thế. Cơ quan này thuê hẳn ngôi nhà đối diện với nhà của Kuhl để theo dõi suốt ngày đêm. Đối tượng bị họ rình không phải là Kuhl mà những người đặt hàng. Suốt gần 9 tháng trời, cảnh sát theo dõi nhưng không thấy có ai đến giao dịch với Kuhl. Họ chuyển chiến thuật và cử một nữ cảnh sát hoá trang thành một doanh nhân để tiếp cận Kuhl, tạo dựng sự tin cậy và gợi ý mua tiền giả để sử dụng ở Latvia.
Phiên giao dịch đầu tiên chỉ với mức độ giá trị tiền giả nhỏ, với hơn 21.000 USD. Sau phi vụ ấy, không phải Kuhl không có nghi ngại nhất định, nhưng rồi sự nghi ngại không thắng nổi sức quyến rũ của việc chứng kiến giá trị của sản phẩm của mình. Ở lần giao dịch thứ hai, Kuhl bị cảnh sát bắt quả tang. Hans-Juergen Kuhl được coi là người sản xuất tiền giả giỏi nhất nước Đức.
Từ đó tới ngày nay, trên thế giới không có ai ở nơi đâu làm ra tiền giả được với chất lượng tuyệt hảo như Kuhl. Và cũng có không ít kẻ làm tiền giả bị pháp luật tóm gáy bởi những sai lầm tuy rất nhỏ nhoi nhưng lại vô cùng tai hại như Hans-Juergen Kuhl.
Hành vi làm tiền giả bị pháp luật các nước nghiêm cấm và áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tiền tệ. Tại Việt Nam, không chỉ hành vi làm và tiêu thụ, lưu hành tiền giả mà ngay cả hành vi tàng trữ, vận chuyển tiền giả cũng bị pháp luật xử lý nghiêm khắc với mức án thấp nhất từ 3 năm tù và cao nhất đến tù chung thân.