Thời tiết mùa thu trong sáng, nắng vàng, gió nhẹ như hòa chung với niềm vui ấy. Tuy nhiên, không ít dông bão đã đổ vào mùa khai trường này, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mưa gió liên miên đã khiến nhiều địa phương không thể tổ chức Lễ khai giảng bởi nhà sập, tường đổ, bùn đất và rác rưởi ngập ngụa chưa thể khắc phục.
Có nơi, thủy điện xả lũ làm trôi mố cầu khiến các em tựu trường phải đi vòng 20 cây số. Trước ngày khai trường, “cơn bão” dư luận đã đổ bộ lên cách đánh vần mới với chương trình Công nghệ giáo dục và những bộ sách giáo khoa dùng một lần, "tiểu xảo" của nhà xuất bản, ngốn hàng nghìn tỷ đồng của phụ huynh. Niềm tin của người dân vào nền giáo dục nước nhà đã dần vơi cạn.
Tại Hà Nội, đêm trước ngày khai giảng, phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức) vẫn tập trung ở trường để phản đối việc "lạm thu" của trường khiến lãnh đạo thành phố phải có động thái chỉ đạo làm rõ mọi chuyện.
Thế nhưng, hôm sau cha mẹ vẫn đưa các em tới trường dự Lễ khai giảng mặc dù họ chỉ được đứng ngoài cổng trường mà ngó vào. Những phụ huynh đó không muốn làm con em của mình mất đi niềm vui đến trường, mọi thứ mâu thuẫn phải được gác lại.
Không được như Sơn Đồng, cách đó không xa tại quận Bắc Từ Liêm, lãnh đạo Trường Pascanl phải kêu cứu các cấp chính quyền và báo chí bởi sân trường bị lấp đầy cát và gạch, bị phong tỏa khiến nhà trường không làm Lễ khai giảng được. Nguyên do là chuyện tranh chấp việc cho thuê mặt bằng của Nhà trường.
Đó là chuyện người lớn với nhau, cần giải quyết bằng một cách khác, cớ sao lại "ngáng đường" đến trường của học sinh trong một dịp trọng đại như thế này. Học sinh hết phải làm "con thỏ" thí nghiệm đến phải làm "con tin" như thế này ư?
Vượt lên tất cả, dù phải đi khai giảng nhờ ở một trường khác, dù phải đi vòng, dù còn nhiều nỗi băn khoăn trước năm học mới thì niềm vui tới trường là có thật trong lòng học sinh và phụ huynh. Lễ khai giảng đã diễn ra như mong muốn, ngắn gọn mà trang trọng, nghiêm trang mà vui tươi, những nghi lễ cần thiết được tiến hành nhanh gọn và tiếng trống khai trường đã vang lên trên khắp đất nước.
Năm học mới đã bắt đầu với những đòi hỏi phải có những thay đổi quyết liệt, khởi sự bằng việc coi học sinh là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục, cái "coi" đó không chỉ là lý thuyết mà là hành động thực sự từ những nhà quản lý giáo dục đến từng giáo viên đứng lớp. /.