Bánh chưng xanh và chiều tất niên tại La Hay
Chiều tất niên ở La Hay được bà con gọi là Tết Việt. Tết Việt được tổ chức để mọi người được ăn Tết vui vẻ như chính trong căn nhà Việt của mình... Mọi người gặp nhau cùng chúc nhau một năm mới nhiều sức khỏe, nhiều hạnh phúc và nhiều thành công (cũng như người Hà Lan vẫn hay chúc Veel gezond, Veel gelukkig, Succes vol); để trao nhau những vòng tay ấm áp , những câu nguyện ước thân thương và đoàn kết...; cùng nhau nâng ly chia tay một năm cũ đã qua, đón một năm mới đến, cùng ước hẹn, cùng vươn tới cái đẹp nhất trong đời sống của mỗi người nơi đất khách...
Ông Đặng Văn Đàm là thành viên Hội người Việt tại thành phố La Hay - Hội đã có 25 năm tuổi. Gần ba mươi năm cư ngụ quê người, mỗi chiều tất niên về là nỗi nhớ quê xa đến nao lòng lại trào lên trong ông. Ông vẫn mơ một cái tết nào đó ông về quê gói nồi bánh chưng to và đun nước nóng để tắm nhưng điều xa xỉ ấy gần ba mươi năm chưa thành hiện thực.
Đến nay, ông Đàm đã gắn bó với nhóm cộng đồng và cùng Hội người Việt tại thành phố La Hay trải qua hàng chục cái Tết. Ông kể: “Mỗi năm chiều tất niên, là chiều của hội họp mặt cuối năm. Mọi hội viên tề tựu đầy đủ cùng các thành viên con cháu trong gia đình... Mọi người vui tươi sắp bàn, sắp mâm. Trên bàn có đủ món của một chiều tất niên Việt và bánh chưng xanh là điều luôn phải có”.
Theo ông Đàm, bánh chưng chỉ có ở Việt Nam và theo chân người Việt Nam đến mọi nơi trên thế gian này. Với ông thì bánh chưng có ý nghĩa hơn thế, như thể là “hồn Dân tộc”, “là quê hương của những người con Việt”.
Quê hương luôn ở trong tim
Ông Lâm Việt Tùng, là kỹ sư tin học, sống và làm việc ở Hà Lan từ năm 1995. Là người thích làm thơ từ nhỏ, nhưng cuộc sống đưa đẩy ông vào làm ngành tin học và viễn thông. Cứ mỗi năm mới đến, ông Tùng lại ghi lại cảm xúc của mình bằng một bài thơ. Trong tuyển tập thơ cá nhân của mình, ông Tùng có hàng chục bài về Quê hương, chứa đầy nội tâm và hình ảnh người thân trong gia đình, mái đình, cánh đồng, dòng sông và cả những câu ca dao.
Chính vì gắn bó với quê hương, nên năm nào ông cùng gia đình (vợ ông là người Hungary) cũng đến dự buổi gặp mặt Mừng Xuân tổ chức tại Sứ quán để được gặp gỡ bạn bè và thưởng thức không khí Tết đầm ấm với những người đồng hương.
Tết yêu thương tại Utrecht
Bà Hoàng Lan Anh, Việt Kiều sinh sống tại Hà Lan, cùng chồng là Theo Vrijenhoek rất yêu và tự hào về ẩm thực Việt Nam.
Là người có nhiều ý tưởng, bà Lan Anh đã nhiều lần cùng với những người bạn là kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức sự kiện quảng bá ẩm thực Việt Nam, chẳng hạn như sự kiện “Vietnam Little Corner” diễn ra tại thành phố Utrecht tháng 11/2017 vừa qua. Bà có công ty Nón Lá, chuyên làm catering và tổ chức các sự kiện tại Utrecht.
Xuân Mậu Tuất này, vào ngày 17/2/2018, nhóm chị em bạn bè của bà Lan Anh sẽ cùng các bạn sinh viên Việt Nam làm “Tết Yêu thương”. Bà Lan Anh cho hay, mọi người mong muốn làm một cái Tết thật ấm cúng, vui vẻ với nhiều món ăn Việt truyền thống. Sẽ có nhiều cặp gia đình Việt Nam- Hà Lan, sinh viên học sinh, cả cựu sinh viên đang lập nghiệp tại đây tới tham dự. Nhóm làm vì tình đồng hương, sự kiện này tuy nhỏ nhưng làm cho mọi người, sẽ vui lắm.
“Tại Tết Yêu thương, các gia đình nếu có áo dài sẽ mặc đến và mọi người sẽ vui chơi như một gia đình lớn. Năm nay, nhóm sẽ thử nghiệm dạng Hội chợ ẩm thực Tết, có bán vé vào cửa, có ca múa nhạc, múa Lân đón Tết, biểu diễn thời trang áo dài cho mẹ và con, các bé biểu diễn “tài năng”, bên cạnh đó có các cuộc thi vui nhộn dành cho các cặp vợ chồng, người yêu...”, bà Lan Anh chia sẻ.
Như vậy là Xuân này, cộng đồng người Việt tại Utrecht đã có một nơi để đến giao lưu và trò chuyện, cùng nhau thưởng thức hương vị Tết.
Sinh viên ăn Tết tại Hà Lan
Em Nguyễn Khánh Ly, đang học tập tại trường Erasmus, thành phố Rotterdam, hiện đang là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan. Cô gái nhỏ nhắn, nhưng rất năng động cho biết: “Em đã đi du học được 4 năm, và trong 4 năm ấy đều không có điều kiện về ăn Tết vì vướng lịch học”.
Cũng như Khánh Ly, có nhiều sinh viên khác cũng ăn Tết xa nhà. Là Hội đại diện cho cộng đồng sinh viên, nên Hội luôn hiểu và muốn làm gì đó có các bạn sinh viên ta tại Hà Lan, nói thay tiếng nói của các bạn, đặc biệt trong dịp Tết này.
Vừa qua, Hội vừa hoàn thành một video clip “Tết này bạn phải hát bài Xuân này con không về” để chia sẻ, cho vơi nỗi nhớ nhà trong các bạn sinh viên.
Khánh Ly cho biết: “Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức một buổi quay phim ngắn về Tết của du học sinh, trong ngày đó các bạn đã nấu các món ăn truyền thống của mâm cỗ Bắc như là gà luộc, nem rán, canh măng, xôi gấc, thịt đông. Đặc biệt nhất là sinh viên chúng em tự gói bánh chưng và nấu bằng nồi áp suất trong vòng hai tiếng. Bọn em cũng đã chụp những bức ảnh kỉ niệm trong trang phục truyền thống của Việt Nam là áo dài”.
Với các bạn sinh viên tại Hà Lan, thì ngày Tết của du học sinh chỉ đơn giản: một bài hát xuân, một món ăn đơn giản như chả giò, gà luộc...hay một buổi tụ họp với bạn bè cũng là Tết.
Cá nhân Khánh Ly năm nay cũng có một số hoạt động để vui Tết cùng bạn bè. “Ngoài liên hoan với nhóm, em cũng tham dự các lễ hội mừng ngày Tết nguyên đán của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, hoặc do các anh chị Việt kiều tổ chức. Tham gia các hoạt động này là cơ hội để em thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống ngày Tết của cả ba miền. Em cũng rất nhớ nhà vì không được ăn Tết với gia đình. Em thường gọi điện về chúc Tết gia đình, xem Táo quân qua mạng hay tụ tập nhóm bạn ăn một bữa tối nho nhỏ đón giao thừa”, Ly kể.
Hành trình về đón Tết tại quê nhà
Chị Vũ Thị Vân Anh, phiên dịch viên tại Utrecht, Hà Lan, lập gia đình tại Hà Lan. Do công việc của mình, chị là người bận rộn và luôn trên từng cây số. Chị Vân Anh cho biết chị luôn cố gắng hết sức để một năm được về Việt Nam một lần, vào đúng dịp Tết, những lúc quá bận thì chỉ ở được hai tuần, còn lúc thu xếp được thì là sáu tuần, chồng chị sẽ về khoảng tuần vào giữa thời điểm đó, đúng Tết! Anh ấy về Việt Nam muộn hơn và quay lại Hà Lan sớm hơn chị.
Tết năm nay, chị Vân Anh là một trong những người đại diện cho kiều bào ta tại Hà Lan về Việt Nam dự Xuân Quê hương.
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, chị chia sẻ: “Mỗi một lần về Việt Nam là thấy nhiều sự thay đổi, sự giàu có, sung túc hơn ở mỗi gia đình người dân. Các vùng làng quê, có nhà gạch nhiều hơn, và thành phố thì nhiều nhà cao tầng hơn. Những con đường đi khắp đất nước cũng nhiều và rộng hơn. Sự đổi thay luôn rõ ràng và lạc quan. Mọi người cũng không còn quá bận rộn để sắm Tết mà giờ đây hàng hóa nhiều hơn và phong phú hơn, ai cũng dễ dàng và nhanh chóng mua được những thứ mình cần”.
Khi so sánh với Tết ở Hà Lan, chị Vân Anh nói rằng ăn Tết tại Hà Lan thì luôn không thể bằng với Việt Nam, vì người Hà Lan không ăn Tết này, không có không khí Tết và không được gặp đại gia đình, chỉ được Chúc Tết qua mạng.
“Mùa Tết thì ở Hà Lan vẫn quá lạnh, không thể cảm nhận mùa xuân đang đến như ở Việt Nam, không hoa đào và mai, không có pháo hoa, vẫn chưa phải là Tết. Tuy nhiên ở Hà Lan thì có ngày Tết do sứ quán tổ chức, ngày đó rất đặc biệt vì cả cộng đồng sau một năm có thể chỉ liên lạc qua email và điện thoại, thì giờ thực sự được gặp nhau, hỏi thăm sau một năm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới”, chị nói.
Năm nay hành trình ăn Tết của chị Vũ Thị Vân Anh đặc biệt hơn vì ngoài đoàn tụ với gia đình, chị đoàn tụ với cả một cộng đồng người Việt đến từ khắp nơi trên thế giới và cùng dân tộc ăn một cái Tết lớn tại Xuân Quê hương.
Chị Vân Anh cho biết năm nay đối với chị là một năm trọn vẹn vì chị đã được tham dự Xuân Quê Hương, được gặp gỡ và kết nối với các anh chị Việt Kiều trên toàn thế giới về Việt Nam; nghe về những thành công trong việc kinh doanh, trong việc kết nối mọi người và cộng đồng, rất vui và thấy bản thân còn cần phải làm thêm nhiều việc hơn nữa trong tương lai.
"Từ trước đến nay, bây giờ mình mới thực sự được gặp các bác Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và được nhận sự đón tiếp nồng hậu, được nghe những chia sẻ, những niềm vui về những thành công mà đất nước đã đạt được, cũng như những trăn trở, khó khăn còn tồn tại..., thấy thực sự gần gũi và xúc động. Điều tuyệt vời nhất mà mình nhận được là những tình cảm nồng ấm, thân thiện từ các bác lãnh đạo cho đến các anh chị em Việt Kiều có mặt ngày hôm đó. Ban tổ chức cũng rất chu đáo, các em trong tổ phục vụ rất nhiệt tình”, chị kể.